Người gửi: Tran Hung
Khoa học công nghệ là một trong những cơ sở để đánh giá tiềm lực một quốc gia. Dù một quốc gia giàu hay nghèo, những nghiên cứu khoa học phục vụ lợi ích kinh tế, quốc phòng của quốc gia đó đều có một nhà tài trợ chính là Chính phủ, Nhà nước của quốc gia ấy. Với những nước phát triển, các thành phần tham gia nghiên cứu, nguồn vốn đầu tư cho khoa học công nghệ có sự đa dạng hơn so với các nước đang phát triển.
Các thành tựu khoa học công nghệ độc quyền có thể là công ty, tập đoàn hay Nhà nước. Tuy nhiên, cần phải nói rằng những nghiên cứu phục vụ lợi ích kinh tế, quốc phòng của một quốc gia bao giờ cũng nhắm đến vị khách hàng là Nhà nước - vậy là vốn lớn nhất, đầu tư cao nhất chính là Nhà nước. Đó là sự giống nhau.
Sự khác nhau cơ bản ở đây là cơ chế. Chúng ta cùng xem một ví dụ về dự án nghiên cứu và sản xuất máy bay F22 của Hoa Kỳ. Một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa 2 tổ hợp doanh nghiệp là Lockheed / Boeing / General Dynamics và Northrop / McDonnell Douglas nhằm thuyết minh, công nhận giá trị, và tất nhiên là tiêu tốn nhiều tiền bạc với các nghiên cứu, mô hình thử nghiệm chứng minh.
Ở đây, một cơ chế cạnh tranh nhìn thấy hết sức rõ ràng. Ở Việt Nam có sự cạnh tranh tương tự không? Xin giải thích như sau: Thứ nhất, chưa có những doanh nghiệp trực tiếp nghiên cứu khoa học công nghệ có tiềm lực, bề dày lịch sử, thành tựu như ở Hoa Kỳ, hay châu Âu như liệt kê ở ví dụ trên. Và thực tế, thành phần nghiên cứu cho các lợi ích đã nêu chủ yếu là các Viện nghiên cứu, trường đại học.
Thứ hai, có sự cạnh tranh hay không? Thực tế có, nhưng bản chất lại hoàn toàn khác biệt. Nếu bạn Lê Văn Hoàn là một nhà khoa học trẻ thì xin chia sẻ riêng với bạn, rất khó để nói ra ở đây.
Tại sao cùng là cạnh tranh nhưng bản chất hoàn toàn khác biệt? Chúng ta cùng nhìn rộng ra ngoài khoa học công nghệ ở nước ta, một ví dụ về giao thông chẳng hạn: Tại sao trên một tuyến đường, ví như đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân (Hà Nội), người ta có thể liên tiếp làm những thay đổi để cải thiện giao thông như thế này: Cắm hàng loạt cột đèn giao thông tại các điểm giao, ngã ba (để giảm ùn tắc hay để cho người đi bộ?), ngay sau đó một thời gian, là đập các đoạn trên giải phân cách để làm lối chuyển chiều cho phương tiện, xây liền hoặc rào kín các điểm giao, ngã ba với các trạm đèn giao thông trước kia (bỏ không trạm đèn - để xanh liên tục/nhấp nháy liên tục/thỉnh thoảng để đèn đỏ chỗ không có điểm sang ngang).
Tình hình đi lại khá thuận tiện, nhưng lại... ngay sau đó 2 tháng người ta bắt đầu dựng lên cột đèn ở chỗ đã đập phá dải phân cách - và đi lại rùa hơn. Ở đây tôi không bàn về đúng sai hơn được của việc làm trên, mà là vốn ai cho mà người ta có thể vô tư làm đủ thứ chỉ trong thời gian như vậy? Quay lại vấn đề khoa học, và câu trả lời ở đây là "xin-cho" hay "không minh bạch", hay là "phân bổ" cho toàn hệ thống.
Đi giải thích cho sự khác biệt này, tìm giải pháp thì rất mất thời gian. Và tóm lại là nhà khoa học cũng chỉ là một thành phần/nạn nhân tham gia. Họ không chỉ phải làm khoa học mà còn phải loay hoay xoay sở trong các mối quan hệ vì duy trì công việc, tiền bạc. Một sinh viên khoa học cơ bản ra trường làm tại một viện nghiên cứu với mức lương "khởi điểm" (6-12 tháng) là 2,54 (tức khoảng 1,5 triệu đồng), không đủ trang trải cho cuộc sống chứ chưa nói gì đến chịu.... chế tài (nạn nhân tiếp theo), cứ thế khoa học Việt Nam ì ạch.
Có lẽ tôi xin dừng tại đây. Viết ít đã rối, viết nhiều lại càng thêm rối.