Trao đổi với VnExpress ngày 23/7, Cục phó Di sản văn hóa Trần Đình Thành cho biết, Cục không nhận được văn bản xin ý kiến về việc sơn lại màu mới từ Ban giám đốc Nhà hát Lớn. Tuy nhiên, Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Văn hóa) đã nhận được hồ sơ xin ý kiến, kinh phí của nhà hát và mới đây đã trao đổi với lãnh đạo Cục Di sản.
"Đây chỉ là hoạt động di tu bảo dưỡng định kỳ công trình. Họ sơn lại tường đã bị xuống cấp, bong tróc, bay màu thôi. Do đó, quy trình như Nhà hát Lớn đã làm là không sai phạm", ông Thành nói.
![nha-hat-lon-3712-1437641890.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/07/23/nha-hat-lon-3712-1437641890.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ubqH5LCdsm13H76SCGN6SQ)
Màu sơn chói lóa bị nhiều chê trách hiện tại của Nhà hát Lớn được giải thích chỉ là lớp lót và sẽ được sơn lại. Ảnh: Giang Huy.
Về việc màu sơn hiện tại của Nhà hát Lớn gặp nhiều chê trách, lãnh đạo Cục Di sản này và Chánh thanh tra Bộ Văn hóa Phạm Xuân Phúc đều khẳng định, đây chỉ là sơn lót và sẽ được sơn thêm lớp mới được lựa chọn màu kỹ càng. Việc chọn màu sơn do cán bộ Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm, Cục Di sản văn hóa và Vụ kế hoạch đầu tư cùng thực hiện, thống nhất.
Ông Trần Đình Thành cho biết thêm, trong quá trình bảo dưỡng Nhà hát Lớn, nếu gặp vấn đề gì Vụ Kế hoạch tài chính sẽ hỏi ý kiến Cục Di sản. Tuy nhiên, đây chỉ là hoạt động bảo dưỡng định kỳ nhỏ nên việc tham vấn có thể sẽ chỉ do các cán bộ chuyên môn của Cục thực hiện.
Giám đốc Nhà hát Lớn Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho hay, trong tháng 8 công việc di tu bảo dưỡng gồm sơn màu tường trong - ngoài lại và sơn màu cánh cửa sẽ hoàn tất. Định kỳ của hoạt động này khoảng 3-4 năm một lần nhằm làm sáng, sạch, giữ được vẻ đẹp của di tích.
Trước đó GS Hoàng Đạo Kính, người trực tiếp chủ trì việc trùng tu Nhà hát Lớn lần đầu tiên vào năm 1996 cho biết, màu sơn chói lóa trên nhà hát phá nát không gian kiến trúc của di tích lịch sử này, vì thế cần sửa lại. Việc trùng tu di tích mà không hỏi ý kiến chuyên gia có kinh nghiệm là điều đáng tiếc.
Quỳnh Trang