Với Mike Wong, chủ nhà hàng Hong Kong Grassroots Canteen ở Bắc Kinh, dịch vụ giao hàng từ lâu đã khiến ông đau đầu. Tại Trung Quốc, ứng dụng Meituan Dianping và đối thủ Ele.me là hai công ty lớn nhất trong ngành dịch vụ giao đồ ăn.
Người dùng chỉ cần mở ứng dụng, gọi món trên danh sách nhà hàng là sẽ được shipper chuyển đồ ăn đến tận nơi. Wong cho hay Meituan chiết khấu 20% mỗi đơn hàng, con số quá lớn với một hộ kinh doanh nhỏ.
"Lợi nhuận của tôi chỉ tầm 10-15%, vì vậy, với đơn hàng mang đi, mọi lợi nhuận tôi đều phải nộp cho Meituan. Ở Bắc Kinh, nhiều người chỉ đặt một cốc trà sữa hoặc một tô mỳ hoành thánh. Mức chiết khấu không phụ thuộc vào số đơn hàng hay khoảng cách giao hàng. Ứng dụng nhận đơn và nhận tiền, họ giữ tiền cả tháng, ảnh hưởng tới dòng vốn của tôi. Hợp đồng với ứng dụng không công bằng với chúng tôi", Wong nói.
Ông chuyển sang dùng FlashEx, một ứng dụng giao hàng chuyên giao nhận mọi loại hàng hóa, để nhận đơn mang đi.
"Tại Australia, (nơi Wong từng sống), khách hàng phải trả thêm tiền nếu mua mang đi. Ở Trung Quốc, nếu tăng giá suất mua mang đi sẽ mất khách. Vì vậy, tôi trả phí giao hàng bằng cách sử dụng FlashEx, ứng dụng tính phí theo khoảng cách. Nó chỉ tốn 10 tệ (1,41 USD) để giao hàng trong bán kính 5 km, rẻ hơn Meituan nhiều", ông nói.
Wong là một trong số nhiều chủ nhà hàng ở Trung Quốc đang phản ứng với những ứng dụng giao đồ ăn mà họ gọi là "bá chủ" ở Trung Quốc.
Một báo cáo gần đây của Trung tâm Phân tích Dữ liệu Internet Trung Quốc (DCCI) cho thấy gần nửa số người dùng Internet của đất nước này sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến vào năm ngoái, trong đó 67% sử dụng Meituan.
Các ứng dụng bị chỉ trích gay gắt hơn trong bối cảnh Covid-19 khiến nhiều nhà hàng bị ảnh hưởng nặng nề do phải ngừng kinh doanh, nhân viên phải nghỉ việc và kinh tế chậm tăng trưởng. Hồi tháng 4, Hiệp hội Nhà hàng Quảng Đông đã gửi thư ngỏ tới Meituan, kêu gọi giảm chiết khấu và bỏ điều khoản mà họ cho là bất công, khi buộc nhà hàng ký hợp đồng độc quyền với nền tảng.
Hồi tháng 2, các hiệp hội nhà hàng ở Trùng Khánh, thành phố tây nam Trung Quốc, cũng như ở Hà Bắc, Vân Nam, Sơn Đông, đều gửi thư ngỏ kêu gọi Ele.me và Meituan giảm mức chiết khấu. Thư của tỉnh Sơn Đông tiết lộ mức chiết khấu mà Meituan tính cho chuỗi nhà hàng là 18%, còn hộ kinh doanh nhỏ là 23%, trong khi Ele.me dao động 15-20% mỗi đơn hàng.
Theo thư ngỏ, mức chiết khấu mà Meituan áp đặt cao hơn nếu nhà hàng muốn hợp tác với ứng dụng khác.
Chủ một nhà hàng bán mỳ chua cay ở Bắc Kinh giấu tên cho hay bắt đầu đặt thẻ giới thiệu trong mỗi túi thức ăn giao đi với hy vọng tăng lượng khách đặt món trực tiếp ở nhà hàng. Người này cho hay thẻ giới thiệu này in số điện thoại của nhà hàng, tài khoản mạng xã hội cùng thông tin ưu đãi giảm giá 10%.
"Chúng tôi có nhân viên giao hàng. Hồi dịch bùng phát, chúng tôi phải đóng cửa dịch vụ ăn tại cửa hàng. Chúng tôi đã chụp ảnh món ăn, mở nền tảng đặt hàng trực tuyến. Trước đây chúng tôi không có thời gian làm việc này. Bây giờ chúng tôi đăng cả video cách nấu món mỳ lên các ứng dụng video như Douyin để quảng bá. Nếu xây dựng được cơ sở khách hàng đủ lớn, chúng tôi sẽ ngừng sử dụng ứng dụng giao hàng", người này nói.
Liu Jingjing, chủ của chuỗi nhà hàng bán cháo Jiahe có hơn 100 cửa hàng ở Trung Quốc, cho hay họ đã nâng cấp ứng dụng giao hàng của mình, cho phép nhân viên tương tác trực tiếp với khách hàng.
"Nó giúp chúng tôi tiết kiệm phí hoa hồng trả cho ứng dụng gọi món, đem lại lợi ích cho khách hàng. Chúng tôi đã có hơn hai triệu thành viên đăng ký. Chúng tôi sử dụng dịch vụ giao mọi loại hàng hóa của Dada (ứng dụng do tập đoàn JD phát triển)", Liu nói.
Phát ngôn viên của Meituan cho hay năm 2019, hơn ba triệu chủ cửa hàng đã nhận đơn qua ứng dụng, với hơn 80% nhà hàng trả phí hoa hồng 10-20%. Tập đoàn này cho rằng mức chiết khấu của họ không cao như đồn đại và họ đã chủ động hoàn lại 3-5% phí hoa hồng cho hơn 600.000 chủ cửa hàng.
Phát ngôn viên của Ele.me cho hay công ty đã tiến hành 4 đợt giảm hoặc miễn chiết khấu đơn hàng từ khi Covid-19 bùng phát, cũng như hỗ trợ nhà hàng bằng cách cho họ quảng cáo miễn phí như đặt biển quảng cáo ngoài trời, trong tivi ở khách sạn và những kênh khác. Ngoài ra còn những biện pháp khác nhằm mục đích giúp ngành ẩm thực vượt qua đại dịch.
"Những biện pháp này bao gồm cung cấp khóa học miễn phí về cách đứng vững trong ngành ẩm thực, ra mắt một nền tảng cho phép nhân viên nhà hàng chuyển đổi công việc sang giao hàng", đại diện Ele.me nói.
Hồng Hạnh (Theo SCMP)