Khi dùng bữa trong nhà hàng kiểu Âu, thực khách sẽ thấy kích thước những chiếc đĩa trên bàn luôn lớn hơn rất nhiều so với lượng thức ăn bày trong đó. Không phải đầu bếp không có đĩa nhỏ hơn để phục vụ khách bởi thực tế dùng đĩa lớn trên bàn ăn chính là một nghệ thuật trong ngành ẩm thực, theo Times of India.
Để duy trì tiêu chuẩn cao cấp, những nhà hàng sang trọng thường phải lấy nguyên liệu từ nhiều nguồn cung ứng. Do đó, chi phí cho từng món ăn cũng tăng cao, tác động tới giá cuối cùng đề trong thực đơn.
Michael Sager, một chuyên gia về rượu, lý giải trên Vice: "Tôi biết thực khách không muốn trả 50 USD để ăn thực đơn đặc biệt (tasting menu). Nhưng khi tính toán thực đơn, chúng tôi phải nhân ba lần chi phí nguyên liệu, và lấy khoản chênh lệch để trả tiền thuê nhân viên, mặt bằng, nhiều khi không lãi đồng nào. Chúng tôi chỉ đem lên bàn ăn những nguyên liệu tươi mới từ London (Anh) và vùng ngoại ô, làm việc với những nhà vườn riêng không cung ứng cho siêu thị lớn và thay đổi thực đơn theo tuần".
Vì vậy, để một món không quá đắt đỏ, đầu bếp sẽ chia khẩu phần nhỏ vừa đủ vài lần gắp. Ngoài chuyện cân đối chi phí, những nhà hàng cao cấp còn nắm bắt xu hướng "ăn ít mới sang" của tầng lớp thượng lưu. Họ tin rằng thực khách ngày nay muốn tận hưởng những cuộc phiêu lưu vị giác hơn là ăn cho no. Nhà hàng cũng đánh vào quan niệm "đắt xắt ra miếng" của nhiều thực khách khi chỉ phục vụ phần ăn nhỏ xíu.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khẩu phần nhỏ sẽ kích thích cảm giác thèm ăn của thực khách hơn những đĩa thức ăn ngồn ngộn. Thực tế, vị giác của con người chỉ nhạy với khoảng bốn đến năm miếng đầu tiên và cảm giác ngon miệng sẽ giảm dần. Một phần ăn khiêm tốn sẽ giúp thực khách tận hưởng trọn vẹn những mùi vị riêng biệt song kết nối chặt chẽ xuyên suốt thực đơn.
Một yếu tố nữa được xét đến khi các nhà hàng phục vụ khẩu phần nhỏ chính là khâu trình bày. Đầu bếp dồn tâm huyết để từng món ăn đều là một tác phẩm nghệ thuật. Họ sẽ dùng những chiếc đĩa lớn như một tấm canvas trắng để sáng tạo một câu chuyện của hương vị. Khoảng trống trên đĩa cần vừa đủ rộng để món ăn hút mắt hơn và gây ấn tượng sâu sắc với thực khách.