Li Jiyan người Hàng Châu chuyên làm nghề mai mối và tìm kiếm các nam sinh viên tốt nghiệp từ những tỉnh nghèo để kết hôn với những phụ nữ xuất thân trong gia đình giàu có.
Từ năm 1999 đến nay, Li Jiyan đã mai mối thành công cho 1.000 cặp vợ chồng. Văn phòng của Li chật kín những chồng hồ sơ và những bức ảnh đóng khung ghi lại cảnh anh được các báo đài ở Trung Quốc phỏng vấn.
Những người được Li chọn phải tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc đại học, kiếm được 100.000 nhân dân tệ (khoảng 360 triệu đồng) mỗi năm và cao trên 1,70 m. Họ không bị bắt buộc phải sở hữu tài sản ở Hàng Châu.
Ngồi trong văn phòng, Li liên tục nhận điện thoại từ các khách hàng tiềm năng và từ chối làm mai cho một người đàn ông trẻ tuổi vì người này chưa tốt nghiệp đại học.
Dù ca ngợi và khuyến khích đàn ông tự lập, mô hình kinh doanh của Li đang dựa trên sự bất bình đẳng giàu nghèo ở đất nước tỷ dân này. Li giải thích, các gia đình khá giả nhưng chỉ có một con gái thường kiếm một chàng rể nghèo, ngoan ngoãn và đi kèm theo đó là điều kiện đứa con sẽ mang họ mẹ.
Nghề của Li vốn bắt nguồn từ truyền thống cổ xưa trong các triều đại phong kiến Trung Quốc nơi mà các gia đình danh môn vọng tộc muốn con gái tìm được người chồng nghèo hơn và chấp nhận ở rể. Theo truyền thống, sau khi xuất giá, phụ nữ phải lãnh trách nhiệm sinh con trai để nối dõi tông đường và chăm sóc cha mẹ chồng. Một người phụ nữ không được sở hữu tài sản, sau khi trao sính lễ và của hồi môn, cha mẹ đẻ dường như không nhận được thêm sự báo đáp nào từ con gái, đến nỗi người ta ví con gái lấy chồng như "bát nước đổ đi".
Nhưng một vài cuộc hôn nhân đã không giống thế. Kể từ triều đại nhà Tần vào thế kỷ thứ ba, một gia đình không có con trai được phép tuyển một người đàn ông nghèo nhưng khỏe mạnh để "hương khói" cho gia đình họ làm con rể. Nhiều người đồng ý cho con mang họ mẹ và chăm sóc cha mẹ vợ trước cha mẹ ruột.
Đến đời nhà Nguyên và nhà Minh (giữa thế kỷ 13 và 17), người đàn ông là con trai duy nhất trong gia đình bị cấm tham gia vào các cuộc hôn nhân như vậy. Những người đàn ông ở rể thường phải đối mặt với sự khinh miệt trong xã hội.
"Chính sách" của đời nhà Tần âm thầm sống lại từ khoảng đầu thế kỷ 21. Do ảnh hưởng từ chính sách một con, nhiều gia đình khá giả ở thành thị mà chỉ có duy nhất một con gái phải lựa chọn giải pháp tìm một người ở rể để có người phụng dưỡng lúc tuổi già.
Dù chính sách một con bị bãi bỏ từ năm 2015 và các gia đình được sinh 2 con, những tác động tiêu cực của nó vẫn sẽ còn kéo dài. Có thể vì lý do này mà xã hội Trung Quốc dần cởi mở hơn về chuyện ở rể. Khi có ít phụ nữ hơn, tư tưởng trọng nam khinh nữ cũng dần phai nhạt trong xã hội hiện đại. Ngày càng nhiều phụ nữ thành thị có học thức, đòi hỏi cao hơn về quyền lợi trong cuộc sống, hôn nhân.
Nền giáo dục ở Trung Quốc cũng đang ngày càng phát triển với 200 triệu người tốt nghiệp đại học. Các gia đình sở hữu nhà ở thành phố lớn đã trở nên giàu có hơn sau thời kỳ bùng nổ kinh tế kéo dài hàng thập kỷ. Nhiều gia đình mới giàu có này chỉ sinh một con gái, họ đặt nhiều kỳ vọng lên con của mình.
Ở Hàng Châu có một ngôi chùa tên Linh Ẩn Tự, nổi tiếng linh thiêng và thu hút nhiều người đến cầu nguyện cho cuộc hôn nhân bền chặt hay cầu xin con cái. Jiajia và chồng là Chen Jingsheng đều 25 tuổi, nắm tay nhau bước ra khỏi điện Quan Âm, khi được hỏi đã cầu điều gì, người vợ đáp: "Tôi ước rằng chúng tôi sẽ bên nhau trọn đời. Tôi không biết anh ấy đã xin điều gì".
Cặp vợ chồng này quen nhau từ thời trung học và đã bên nhau 7 năm. Jingsheng đến từ Mai Châu, một thành phố nhỏ ở tỉnh Quảng Đông. Anh cho biết, hầu hết phụ nữ thường mong đợi tìm được người đàn ông sở hữu căn hộ chung cư trước khi kết hôn, đó là áp lực lớn đối với một nhân viên ngành công nghệ thông tin như anh khi sống ở Quảng Châu, một thành phố nổi tiếng đắt đỏ.
Không có hộ khẩu Quảng Châu nên anh càng khó mua được nhà ở đây và phải dựa dẫm vào gia đình vợ. Jiajia có hộ khẩu Quảng Châu nên gia đình cô đã giúp hai người mua một căn chung cư.
"Cha mẹ tôi nhìn thấy tiềm năng của anh ấy, họ tin anh là người có chí tiến thủ. Nếu anh ấy không phải vậy, cha mẹ đã không ủng hộ vợ chồng tôi theo cách này", Jiajia bày tỏ.
Hoàng Phong (Theo Economist)