Lý Kế Diên và vợ Tôn Kỷ Mai những ngày tháng 3 bận rộn bất thường. Công ty mai mối Kim Điểm Tử của họ ngày nào cũng chật ních người. Đôi vợ chồng ngoài 50 tuổi vừa bận tiếp khách, vừa trả lời các cuộc gọi yêu cầu tư vấn. Phần lớn khách là nam giới. Một số mặc vest đi giày da, số khác vẫn khoác trên mình đồng phục của công ty, nhiều người trong đó nói rằng: "Hạnh phúc của tôi phụ thuộc vào công ty này".
Lý Kế Diên luôn dùng từ "người anh em" để gọi khách hàng bởi ông nghĩ, cách gọi thân mật này sẽ khiến người đối diện cảm thấy gần gũi và dễ chịu hơn.
"Người anh em, tôi nghe không lầm chứ, lương nghìn vạn tệ (10 tỷ đồng) một năm mà cũng phải mai mối ư", ông Lý nghi ngờ hỏi lại. Người đàn ông ở đầu dây bên kia nói rằng anh ta là thạc sỹ từ nước ngoài về, sở hữu một doanh nghiệp gia đình và đang kiếm tiền bằng cách đầu tư vào chứng khoán. Tiếp đó, anh ta gửi cho Lý giấy tờ chứng minh tài khoản ngân hàng có số dư hơn một triệu đô la Mỹ. Dù vậy, sự nghi ngờ trên mặt vị giám đốc công ty mai mối vẫn hiển hiện. Ông yêu cầu khách hàng chuẩn bị giấy tờ cần thiết và sẽ nói chuyện lại khi mọi thứ được gửi tới công ty đầy đủ.
Buổi tối hôm đó, một thanh niên khác hổn hển chạy đến đòi gặp Lý trước giờ công ty đóng cửa. Chàng trai này là sinh viên đại học, đang thực tập trong một khách sạn ở thành phố Hàng Châu. Sau khi tan sở, chưa kịp thay quần áo đã vội vã chạy qua. Nhìn khuôn mặt non nớt của khách hàng, Lý Kế Diên đã từ chối: "Cậu còn quá trẻ, sau khi tốt nghiệp hãy quay trở lại".
"Tôi đã từng bị tổn thương vì tình yêu, nếu không tôi đã không đến đây", nam thanh niên giải thích và cho biết đã chi hàng chục nghìn tệ cho bạn gái cũ. Chàng thanh niên muốn ông Lý tìm cho cậu một cô bạn gái ở quận Tiêu Sơn.
"Một số cho rằng họ bị tổn thương và muốn ở lại Hàng Châu xây dựng gia đình", Lý nói và cho biết, hiện ở Tiêu Sơn, giá một căn nhà lên tới hàng nghìn vạn tệ (hàng chục tỷ đồng). "Nếu được ở rể, áp lực của những người đàn ông này giảm đi đáng kể", Lý nhấn mạnh.
Công ty mai mối Kim Điểm Tử được thành lập năm 2004 tại Tiêu Sơn, thành phố Hàng Châu. Các gia đình làm nghề truyền thống ở đây thường rất giàu có nhưng hầu hết đều đẻ con một nên những gia đình sinh con gái đều mong tuyển được người ở rể. Phía đông Tiêu Sơn giàu có, sầm uất và đó là lý do nhiều thanh niên ở phía nam sẵn sàng đến ứng tuyển làm rể. Nếu trong nhà có hai anh em, nhất định sẽ có một người được "cắt cử" đi ở rể, vừa giúp giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ vừa để "một bước lên hương".
Theo cơ quan chuyên trách về hôn nhân và gia đình Tiêu Sơn, yêu cầu tuyển rể đang ngày càng cao. Ngoài sức khỏe, các nam ứng viên phải có trình độ học vấn cao, nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Bên cạnh đó còn phải kiểm tra xem ba đời có bệnh tật gì không. Chính vì điều kiện ở rể tại Tiêu Sơn quá hấp dẫn, nhiều thanh niên ở các địa phương khác cũng đang muốn được đến đây "tìm vợ".
Gần đây, một đoạn quảng cáo tuyển rể ở Tiêu Sơn lại thu hút sự chú ý của nhiều người trên khắp Trung Quốc. Một nhà giàu kén chồng cho cô con gái 26 tuổi với "quà" là một chiếc Land Rover và một ngôi nhà ở trung tâm thành phố Ninh Ba sầm uất bậc nhất tỉnh Chiết Giang. Cặp vợ chồng sẽ còn được trợ cấp phí sinh hoạt hàng tháng 20.000 nhân dân tệ (khoảng 70 triệu đồng). Đồng thời, bố mẹ chú rể cũng được tặng một căn nhà sang trọng khác. Theo truyền thông Trung Quốc, giá mỗi mét vuông ở trung tâm Ninh Ba là khoảng 24.000 nhân dân tệ (85 triệu đồng).
Từ đoạn quảng cáo này, công ty Kim Điểm Tử với thâm niên mai mối 17 năm lại nổi lên như cồn. Nhiều người đặt câu hỏi với Lý Kế Diên, nếu quả thật có những quảng cáo như vậy, những cô gái ở Tiêu Sơn đều bị "ép hôn" không? Người đàn ông này đưa ra lời lý giải khác.
Tiểu Na sinh năm 1998, sau nhiều lần xem mặt những người bố mẹ giới thiệu, cô đều không ưa ai. Một ngày, cô gái này mang chứng minh thư, sổ hộ khẩu đến tìm Lý Kế Diên với lời yêu cầu "tuyển chồng ở rể".
"Gia đình có biết cô đến tìm tôi không?", ông Lý hỏi. Tiểu Na đáp, cô không thể ưa nổi những người mà gia đình giới thiệu "Họ nói để tôi tự chọn". Nói rồi cô gái 25 tuổi đưa ra một loạt các tiêu chí chọn chồng: Công việc ổn định, gia đình ở Hàng Châu hoặc gần đó. Tốt hơn hết là gia đình có hai anh em trai để giảm áp lực sinh con trai. Và điều tiên quyết là nếu được sẽ kết hôn ngay trong năm nay. Lý nghe xong, hứa với Tiểu Na sẽ tìm được cho cô một anh chàng đẹp trai.
Không do dự, Tiểu Na ký vào "thỏa thuận dịch vụ" và trả 15.000 tệ, đồng thời nộp bản sao chứng minh thư, hộ khẩu, các bằng cấp có được rồi tươi cười rời đi. Có điều, công ty của ông Lý đang có 300 thành viên nữ đăng ký mai mối như Tiểu Na nhưng chỉ có hơn 100 thành viên nam. "Chúng tôi cố tình kiểm soát số lượng, bởi như vậy tỷ lệ thành công sẽ cao hơn", vị giám đốc nói.
Vị giám đốc công ty mai mối cho biết, ngưỡng "sàn" để được đăng ký thành viên nam của Kim Điểm Tử phải đủ các điều kiện: "Lương hàng năm tối thiểu 100.000 tệ (380 triệu đồng), tốt nghiệp đại học, công việc ổn định, ưu tiên công chức, bác sỹ, kỹ sư...".
Mười bảy năm kể từ khi khởi nghiệp, hai vợ chồng Lý đã thực hiện hơn 4.000 cuộc mai mối, trong đó có hơn 1.000 cặp đôi kết hôn.
"Ở rể như chó chui gầm chạn", Lý thường xuyên phải nghe câu này khi bắt đầu thực hiện việc mai mối của mình. Ông chán ghét khi nghe những lời giễu cợt như vậy "Ở nhà vợ, nam giới có năng lực, có chí khí còn được bố mẹ vợ yêu hơn con đẻ mình kìa".
Lý kể về một khách hàng là chủ tập đoàn lớn đưa con gái đến Kim Điểm Tử nhờ mai mối. Ông chủ này kể rằng, bản thân ông cũng là người ở rể. Khi kinh tế còn khó khăn, gia đình vợ đã giúp thành lập công ty. Công ty lớn mạnh và làm ăn phát đạt, không ai còn nói chuyện ở rể của ông chủ này nữa. Lý sau đó đã giúp con gái ông tìm được một chàng trai tốt. Họ sinh hai người con, một mang họ bố và một mang họ mẹ.
Đối với việc nhiều người gọi Tiêu Sơn là "thành phố ở rể", Lý Kế Diên không phủ nhận, kinh tế Tiêu Sơn đang phát triển nhanh chóng, có nhiều gia đình giàu có mà chỉ có con gái một nên tuyển rể cũng là điều hợp lý. "Giá nhà cũng là lý do chính", ông nói. Trong số các thành viên nữ đăng ký, đa phần đều có nhà ở Tiêu Sơn.
Vào ngày cuối cùng của tháng 3, có hai cuộc điện thoại gọi đến Lý. Một người mong giới thiệu giúp cháu trai 30 tuổi một cô gái phù hợp để làm vợ. "Không quan trọng gia đình đó nhiều tiền, chủ yếu là hai đứa hạnh phúc bên nhau", khách hàng đưa điều kiện. Cuộc gọi khác đến từ một người đàn ông 40 tuổi đã ly hôn: "Tôi bị vợ cũ phụ bạc, còn nợ hàng trăm nghìn tệ", người này nói. Lý Kế Diên hỏi, làm sao kết hôn khi số tiền nợ còn nhiều như vậy. "Sau này mình lấy con nhà giàu, chẳng há gánh nợ cùng nhau hay sao". Ông Lý đáp gọn lỏn: "Anh trả nợ xong, hãy gọi lại cho tôi".
"Đúng là ở đời đối tượng nào cũng có. Chẳng mấy đàn ông đến đây thực sự mong tìm hạnh phúc của mình cả", Lý cúp điện thoại rồi lắc đầu.
Vy Trang (Theo qq)