Theo ChinaNews, môi trường trong lành và điều kiện giáo dục tốt là hai nguyên nhân chủ yếu khiến giới nhà giàu Trung Quốc đổ tiền mua bất động sản tại ngoại ô Melbourne, Australia.
"Tối qua tụ tập bạn bè mới biết, trừ tôi ra, mười mấy người đều đang hoặc đã làm xong thủ tục di dân. Việc này khiến tôi sốc vô vùng", đạo diễn nổi tiếng Cổ Chương Kha tiết lộ trên blog.
"Ông di dân chưa?", không biết từ bao giờ, đây là câu hỏi thường trực trên bàn nhậu của người Trung Quốc. Cứ 10 người giàu tại Đại Liên, thành phố đông bắc Trung Quốc, thì 3 người đã di dân, 3 người đang làm thủ tục di cư, và 3 người có ý định di cư, đây là câu cửa miệng của người dân địa phương.
Theo thống kê của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nước này hiện có hơn 45 triệu kiều dân, là nước có số lượng di dân lớn nhất thế giới.
Điều này khiến dư luận Trung Quốc đặt ra câu hỏi, tại sao mảnh đất nuôi dưỡng những con người trở thành triệu phú lại khiến họ phải ra đi.
"Để con cái có môi trường giáo dục tốt hơn", hơn 58% người di dân bày tỏ. Phụ huynh cho rằng, nhà trường và giáo viên chỉ biết có dạy học chứ không dạy làm người. Giáo viên mở lớp dạy ngoài giờ, dạy trước kiến thức, làm thui chột tính sáng tạo của học sinh.
Trong khi đó, ở phương Tây, giáo dục bậc mầm non và tiểu học rất chú trọng đến phát triển nhân sinh quan và giá trị quan của trẻ em, giúp các em có được tuổi thơ đúng nghĩa.
Tình tạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường nặng nề khiến giới nhàu giàu lo ngại. Hàng loạt vụ bê bối thực phẩm liên tiếp xảy ra như: sữa nhiễm melanime, dầu bẩn... khiến người dân mất lòng tin vào thực phẩm trong nước. Chính vì thế, họ chọn nước ngoài, nơi thực phẩm an toàn và hệ thống y tế tiên tiến làm mảnh đất "an dưỡng" cho gia đình.
Ngoài ra, môi trường đầu tư tại nước ngoài rõ ràng minh bạch, thuế suất thấp, thủ tục nhanh, tính an toàn cao... cũng là lý do khiến người giàu Trung Quốc quyết định di dân.
Hồng Hạnh