Tuy nhiên một số công ty biện minh đó là lựa chọn hợp lý trong một thị trường mà cung và cầu là yếu tố quyết định. Ông Christian W. Mucha, giám đốc công ty xuất bản tại Áo, đồng thời mở dịch vụ du lịch tiêm chủng, bày tỏ tin tưởng vào các giá trị của thị trường tự do. Bất kỳ ai truy cập vào trang web Impfreisen.at của Mucha đều thấy ngay khẩu hiệu: "Ai đến trước, đi trước. Tự do nằm trong tay bạn".
Khẩu hiệu này nổi bật trên nền bức ảnh chụp một hòn đảo giữa biển xanh. Ẩn ý là khách hàng không còn phải chờ đợi hay lo lắng về những số liệu mâu thuẫn về tiêm chủng và thủ tục hành chính tại nước họ. Công ty Impfreisen sẽ đảm bảo thượng đế được tiêm vaccine nhanh chóng, đồng thời nghỉ ngơi trong không gian thoải mái, sạch sẽ tại một địa điểm khác.
Khi đăng ký chuyến đi tại trang web trên, mỗi người sẽ có lựa chọn tùy khả năng chi trả. Mức giá thấp nhất là 3.000 - 4.000 Euro. Theo đó, khách hàng có chuyến đi ngắn đến Serbia để tiêm vaccine một liều của Johnson&Johnson (loại sắp được phê duyệt tại châu Âu). Phần lớn các vaccine được sử dụng hiện nay đều chia thành 2 liều, mỗi liều cách nhau vài tuần. Ông Mucha cho biết khách hàng có thể chọn vaccine của Nga và Trung Quốc.
Cho những ai cần thêm tiện nghi xa xỉ, hóa đơn sẽ lên tới 20.000 Euro. Du khách có thể đến Vịnh Ba Tư hoặc Ấn Độ, nơi họ sẽ chờ 3 tuần giữa hai lượt tiêm. Công ty còn cung cấp kỳ nghỉ hạng sang tại tòa nhà Burj Al Arab (Dubai) và thuê xe limosine đưa đón.
Trong khi đó, gói du lịch đến Dubai của công ty Knightsbridge Circle có giá lên tới 40.000 Euro. Gói này bao gồm chuyến bay hạng nhất, chỗ ăn ở và hai mũi vaccine của Pfizer-BioNTech hoặc Sinopharm.
"Chúng tôi là những người đi tiên phong trong ngành du lịch vaccine xa xỉ. Bạn dành vài tuần tại villa đầy nắng, nhận vaccine và giấy chứng nhận. Thế là bạn sẵn sàng để về nhà", theo Stuart McNeill, nhà sáng lập Knightsbridge Circle, nói
Tại Đức, nơi chiến dịch tiêm chủng diễn ra chậm chạp, nhiều công ty đang rao bán các gói du lịch kết hợp tiêm phòng. Tuy nhiên, ông Karl Lauterbach, thành viên đảng Dân chủ Xã hội Đức, tin rằng đây là "mô hình kinh doanh phi đạo đức" khi các công ty chèo kéo khách bằng những hứa hẹn tiêm chủng. Theo ông, những liều vaccine còn lại (sau khi các nước giàu đã mua thừa mứa) phải dành cho các quốc gia nghèo đang vật lộn tìm nguồn cung vaccine vốn khan hiếm.
Các quốc gia trở thành điểm đến của du lịch vaccine phải quyết định có chấp nhận hình thức này hay không. Israel từ chối cấp vaccine cho người ngoại quốc chừng nào người dân trong nước còn chưa được tiêm đầy đủ. Tại Mỹ, Florida cấm tiêm phòng cho người từ nước ngoài hay các bang khác.
Tại Canada, người đứng đầu quỹ hưu trí công cộng lớn nhất nước từ chức, sau khi ông này bị phát hiện đến các Tiểu Vương Quốc Arab Thống Nhất để tiêm phòng.
Tuy nhiên, Mucha dường như không hề nao núng trước những lời chỉ trích. Ông tin mình có lý do chính đáng để bán các gói du lịch vaccine.
"Áo và Liên minh châu Âu (EU) đều làm hỏng chiến dịch tiêm chủng. EU đã không thể mua vaccine với giá công bằng theo luật thị trường", ông nói. Nếu trước đây EU sẵn sàng trả thêm tiền cho vaccine Pfizer-BioNTech, Áo sẽ chi thêm 200 triệu Euro cho 10 triệu liều.
Theo Mucha, "số tiền đó chẳng đáng kể so với thiệt hại trị giá một tỷ Euro cho một ngày phong tỏa. Nhưng họ đã không làm vậy". Hậu quả là EU phải quay cuồng trong cơn khát vaccine Covid-19, còn người dân mệt mỏi với việc chờ đợi được tiêm chủng.
Mai Dung (Theo Straits Times)