Thứ tư, 1/5/2024
Chủ nhật, 30/4/2023, 15:28 (GMT+7)

Nhà dựng từ 15 tấn vỏ bom tái hiện ký ức Trường Sơn

Quảng TrịÔng Trần Công Chức, 53 tuổi, trú huyện Vĩnh Linh, đã dựng ngôi nhà rộng 200 m2 từ 15 tấn vỏ bom đạn nhằm tái hiện ký ức một thời khốc liệt ở Trường Sơn.

Cuối tháng 4, ngôi nhà bom Trường Sơn ở xã Linh Trường, huyện Gio Linh mở cửa đón khách đến tham quan miễn phí. Nhà nằm sát đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, ngay ngã ba vào Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.

Ông Chức bên loạt vỏ bom cỡ lớn. Lý giải việc dựng nhà bom, ông nói Quảng Trị có nhiều địa danh nổi tiếng gắn liền với lịch sử của dân tộc. Muốn thế hệ con cháu hiểu rõ hơn về lịch sử, biết bom đạn tàn phá ghê gớm như nào, từ đó trân quý cuộc sống hòa bình, ông dành 20 năm sưu tầm kỷ vật chiến tranh, trong đó có vỏ bom đạn để dựng nhà.

Nhiều vỏ bom được ông Chức sơn mới, dán decal, ghi chú thông tin. Một số bộ phận của bom phải phục chế bằng sắt, gỗ.

Bên trong nhà, ông Chức treo nhiều tranh ảnh và các kỷ vật chiến tranh của bộ đội ở đường Trường Sơn.

Anh Nguyễn Văn Nam, 55 tuổi, trú xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, trầm trồ trước sự dày công sưu tầm của chủ nhân ngôi nhà. "Tôi sẽ đưa con cháu đến đây để hiểu thêm về những năm tháng chiến tranh", anh Nam cho hay.

Ông Chức cho biết tổng tiền sưu tầm kỷ vật và dựng nhà gần một tỷ đồng.

Trong chiến tranh chống Mỹ, đường Trường Sơn hay đường mòn Hồ Chí Minh là tuyến hậu cần chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam, bắt đầu từ miền Bắc, đi qua miền Trung, có đoạn qua hạ Lào, Campuchia và điểm cuối là miền Nam. Biết được tầm quan trọng của đường Trường Sơn, Mỹ đánh phá bằng các loại vũ khí hiện đại nhất thời bấy giờ.

Ngoài ngôi nhà bom trưng bày gần 1.000 kỷ vật chiến tranh, ông Chức tái hiện khuôn viên 1.000 m2 thành một Trường Sơn thu nhỏ với bếp Hoàng Cầm, rừng đoác, hố bom.

Ông Chức mua nhiều cây đoác ở huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) về trồng trong khuôn viên với mong muốn các cựu chiến binh về đây sẽ tìm được phần nào ký ức một thời ở đường Trường Sơn. Ngày trước, bộ đội sử dụng cây đoác và rau tàu bay như là một nguồn thực phẩm.

Ở khu đồi phía sau ngôi nhà, ba bếp Hoàng Cầm được tái hiện để thế hệ sau hiểu một phần về cuộc sống chiến đấu giữa rừng "đi không dấu nấu không khói" của bộ đội.

Một hố bom với các mảnh bom văng chi chít cũng được dựng lại.

Ngôi nhà và khuôn viên sẽ được tiếp tục hoàn thiện, dự kiến chính thức hoạt động từ tháng 7.

Một vỏ bom được treo trên cây bồ đề tái hiện việc đánh kẻng cảnh báo khi có máy bay Mỹ ném bom, hoặc nhắc nhở giờ họp, sinh hoạt trong chiến tranh.

Quảng Trị là tỉnh ô nhiễm bom mìn lớn nhất cả nước, với 83% diện tích. Đến nay, nhiều tổ chức phi chính phủ giúp tỉnh rà phá 30.500 ha đất, xử lý hơn 800.000 bom mìn, vật nổ.

Nhà bom tái hiện ký ức Trường Sơn