Nhà có mặt tiền hướng ra sông Bến Hải, ông Chức (52 tuổi, trú xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh) lớn lên với ký ức về những trận bom Mỹ. Từ năm 1954 đến 1972, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương quê hương ông trở thành giới tuyến tạm thời, chia cắt đất nước thành hai miền. Mảnh đất Quảng Trị trở thành chiến trường khốc liệt, hứng chịu nhiều bom đạn nhất cả nước. Nơi đây từng diễn ra nhiều trận đánh lớn như Đường 9 - Khe Sanh, Thành cổ Quảng Trị, Cồn Tiên, Dốc Miếu...
Chỉ dọc hai bên sông Bến Hải đã có hơn một triệu tấn bom đạn dội xuống; hay như ở thị xã Quảng Trị mùa hè năm 1972 hứng chịu hàng trăm nghìn tấn bom đạn, tương đương sức công phá của bảy quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945. Sau chiến tranh, 83,8% diện tích toàn tỉnh bị ô nhiễm bom mìn.
Chứng kiến nhiều vỏ bom đạn được lính công binh tháo gỡ thuốc nổ rồi vứt lăn lóc dọc sông Bến Hải hoặc triền đồi, năm 2006, ông Chức nghĩ tới việc sưu tầm nhằm lưu giữ ký ức cho bản thân. Vỏ bom đạn ban đầu rất nhiều, nhưng đến giai đoạn 1990-2000, nhiều người Quảng Trị mưu sinh bằng nghề rà tìm phế liệu chiến tranh khiến các hiện vật này trở nên khan hiếm.
Ông Chức đi khắp nơi trong tỉnh sưu tầm, đến nay sở hữu khoảng 1.000 kỷ vật chiến tranh, gồm vỏ bom đạn các loại, quân tư trang, dụng cụ y tế... Trong đó, vỏ bom đạn nhiều nhất, với hàng trăm quả từ đạn súng trường, đến lựu đạn, đạn pháo các cỡ 105, 155mm, vỏ bom nặng từ vài chục kg đến nửa tấn.
Ông nhớ mãi 6 năm trước, trong một lần đi rừng tình cờ phát hiện vỏ bom MK84 nặng gần 500 kg, loại ông còn thiếu trong bộ sưu tập. Vỏ bom bị vùi lấp dưới đất rừng, ông phải thuê người làm thủ công trong 3 ngày để mở được 3 km đường, rồi đưa xe múc và xe ben vào chở vỏ bom về nhà, cách hiện trường khoảng 20 km. Ít lâu sau, ông mua thêm một quả tương tự với giá 16 triệu đồng.
Một đoàn cựu chiến binh ở Nghệ An tình cờ ngang qua nhà ông, thấy nhiều bom đạn nên dừng lại chụp ảnh. Các cựu binh thắc mắc sao không đưa những kỷ vật này ra trưng bày khiến ông Chức trăn trở. Đứa cháu từ Hà Nội vào thăm, hỏi sao mua nhiều "ống sắt" thế, buộc ông phải dành một buổi để kể về ký ức bom đạn.
Lăn những quả đạn pháo bị mưa lũ tháng 10/2020 vùi lấp ở quanh vườn nhà, ông Chức nói sắp triển khai kế hoạch ấp ủ 7 năm qua, mở một bảo tàng tư nhân về chiến tranh kết hợp quán cơm bộ đội Trường Sơn ở Quảng Trị. Ông đã chuẩn bị một mảnh đất sát Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và dự kiến khai trương bảo tàng trước mùa hè năm 2022.
"Các kỷ vật này họ đưa vào lò luyện thép nấu hết, càng ngày càng hiếm nên tôi sưu tầm để đời sau con cháu biết chiến tranh, bom đạn tàn phá ghê gớm như nào, từ đó biết trân quý cuộc sống hòa bình", ông Chức bộc bạch.
Từ ngày có kế hoạch mở bảo tàng, ông dành nhiều thời gian hơn để sưu tầm. Nhiều người ủng hộ, cho tặng các vật dụng chiến tranh mà họ lượm lặt được, nhưng cũng có người biết ý tưởng mà bán giá cao. Nhẩm tính, ông Chức nói dành khoảng 500 triệu đồng cho thú sưu tầm này.
Tương tự, ở xã Phong Bình, huyện Gio Linh, anh Lê Văn Hạnh, 36 tuổi, sưu tầm vỏ bom đạn từ 7 năm trước. Trong một lần đi thăm địa đạo Vịnh Mốc, huyện Vĩnh Linh, thấy các quả bom được chưng đẹp nên anh mua về. "Vỏ bom đầu tiên là MK81, nặng 60 kg, tôi mua từ một người rà phế liệu ở huyện Cam Lộ và tự chở về bằng xe máy", anh Hạnh kể.
Anh dùng giấy nhám chà cho vỏ bom sáng láng, sơn màu xanh lục rồi dựng ở cổng nhà. Ít lâu sau, anh Hạnh mua thêm vỏ quả bom Mk82, vỏ quả đạn pháo 155mm rồi để 3 quả thành một cụm liền nhau ngoài cổng. Hiện anh có thêm đạn pháo 105, 155, 203mm, vỏ bom lu, MK81, MK82...
"Một thời người dân Quảng Trị làm nghề rà phế liệu, nên vỏ bom đạn ngày càng hiếm, giá cao dần", anh Hạnh chia sẻ. Số lượng kỷ vật không nhiều để mở bảo tàng, anh Hạnh đang nung nấu ý định mở một quán cà phê bom, để khách nhìn thấy một thời lịch sử hào hùng của quê hương, đồng thời cảm nhận được sức sống mới ở vùng đất này.
Tương tự ông Chiến, anh Hạnh, nhiều cá nhân ở Quảng Trị cũng có sở thích sưu tầm các kỷ vật chiến tranh, hình thành một thú chơi lạ ở miền Trung.