Vòng sơ tuyển 8 dự án xây dựng theo phương thức đối tác công - tư (PPP) của cao tốc Bắc Nam đã có 60 bộ hồ sơ của các nhà đầu tư được nộp.
Theo Ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông Vận tải cho hay, trong đó có tới 30 bộ hồ sơ của nhà đầu tư Trung Quốc hoặc liên danh với doanh nghiệp Việt Nam tham gia sơ tuyển tại tất cả 8 dự án; còn lại 15 bộ hồ sơ ngoại của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Pháp, Philippines. Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có 15 bộ hồ sơ tham gia sơ tuyển.
Các nhà đầu tư Trung Quốc có thể kể tới Tập đoàn xây dựng đường sắt Trung Quốc và các công ty thành viên như China Railway Construction Investment Group Co., China Railway 21st Bureau Group Co... Nhóm nhà đầu tư này liên danh với một số doanh nghiệp Việt Nam nộp hồ sơ tham gia dự án Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.
Nhiều doanh nghiệp khác của Trung Quốc như Công ty cơ khí cảng Trung Quốc, Tổng công ty cầu và đường Trung Quốc, Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng Vân Nam... cũng tham gia sơ tuyển một số dự án cao tốc khác.
Ngoài ra, đứng tên trong liên danh tham gia thầu, nhưng một số doanh nghiệp trong nước chỉ là thành viên, đứng đầu vẫn là các doanh nghiệp Trung Quốc. Cụ thể như liên danh China Railway Construction Corp., China Railway Construction Investment Group Co. và Công ty CP Tasco tham gia sơ tuyển cả dự án Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt, song Tasco chỉ là thành viên, đứng đầu liên danh là China Railway Construction Corp.
Đại diện một ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đa số các nhà đầu tư Trung Quốc đều rất mạnh về yếu tố vốn tự có cũng như khả năng huy động vốn với lãi suất thấp (0 - 2 %).
Trước đó, vào tháng 3, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã tiếp ông Nghiêm Giới Hòa, Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương (Trung Quốc) để bàn về tiềm năng hợp tác hai bên trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Ông Nghiêm Giới Hòa đã bày tỏ muốn được chỉ định thầu dự án đường cao tốc Bắc Nam. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hầu hết các dự án giao thông đầu tư theo hình thức PPP và sẽ đấu thầu công khai, không chỉ định thầu.
Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Đối tác công - tư (PPP- Bộ Giao thông Vận tải), Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới và theo quy định của tổ chức này, tất cả các nước thành viên không được phân biệt đối xử với bất kể một quốc gia nào.
"8 dự án cao tốc đầu tư theo hình thức PPP sẽ tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn các nhà thầu đảm bảo tuân thủ pháp luật Việt Nam và phù hợp thông lệ quốc tế. Do đó, việc nhiều nhà đầu tư đến từ Trung Quốc quan tâm đến dự án cao tốc Bắc Nam là điều hoàn toàn bình thường", ông Huy nêu.
Lãnh đạo Vụ Đối tác công - tư cho rằng điều dư luận quan tâm là chất lượng, tiến độ dự án, do vậy cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải đưa ra bộ hồ sơ thầu và hợp đồng để quản lý chặt chẽ ngay từ đầu cũng như đảm bảo cả vòng đời dự án. "Chúng ta làm theo Luật Đấu thầu nên không phân biệt nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài", ông Huy nói.
Về việc có ý kiến cho rằng tổng thầu Trung Quốc đã chậm trễ trong việc xây dựng đường sắt Cát Linh - Hà Đông, do vậy cơ quan quản lý cần xem xét yếu tố này khi xét thầu cao tốc Bắc Nam, ông Huy cho rằng, "dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở Hà Nội do tổng thầu Trung Quốc thực hiện, giữa nhà thầu và nhà đầu tư là khác nhau".
Ông Huy giải thích thêm, cao tốc Bắc Nam đang lựa chọn nhà đầu tư rồi mới lựa chọn nhà thầu; theo điều 5, Luật đấu thầu thì nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu trong nước để thực hiện dự án.
Trong các nhà đầu tư nộp hồ sơ tham gia cao tốc Bắc Nam đã vắng bóng nhà đầu tư Nhật Bản và một số nước châu Âu, mặc dù trước đó, tại hội nghị xúc tiến đầu tư của Bộ Giao thông Vận tải, khá nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, châu Âu tham gia.
Theo một chuyên gia, các nhà đầu tư nói trên đã bày tỏ quan tâm đến vấn đề bảo lãnh doanh thu của dự án, bảo lãnh tín dụng và tỷ giá chuyển đổi ngoại tệ để chia sẻ rủi ro với họ.
"Nhà đầu tư luôn tính toán giữa rủi ro và lợi nhuận nên chúng ta không thể đánh giá được chính xác nguyên nhân tại sao họ không tham gia, chỉ phán đoán là có thể do mối quan tâm của họ chưa được đáp ứng", chuyên gia nói và cho hay, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc vẫn tham gia do họ có thể huy động vốn trong nước (Trung Quốc) với lãi suất thấp và các doanh nghiệp này không cần phía Việt Nam bảo lãnh doanh thu.
Ông Nguyễn Danh Huy thông tin, hành lang pháp lý cung cấp các bảo lãnh hiện nay chưa có, nên một số yêu cầu của nhà đầu tư như bảo lãnh doanh thu chưa được đưa vào cơ chế thực hiện dự án. Tuy nhiên, dự án nếu rủi ro càng lớn thì nhà đầu tư thường yêu cầu lợi nhuận càng cao và "chúng ta để thị trường quyết định". Bộ Kế hoạch Đầu tư đang xây dựng Luật về đối tác công - tư (PPP), trong đó đưa ra các cơ chế bảo lãnh phù hợp với điều kiện nguồn lực của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật, chủ trương của Chính phủ là thu hút các nhà đầu tư đủ năng lực tham gia dự án, tiêu chí sơ tuyển nhà đầu tư đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo công bằng, cạnh tranh minh bạch, không phân biệt các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
"Bất kỳ nhà đầu tư nào đáp ứng đủ năng lực kinh nghiệm cung cấp dịch vụ tốt nhất sẽ được lựa chọn thực hiện dự án", ông Nguyễn Nhật nói.
Bộ Giao thông Vận tải đã công bố danh mục 8 dự án xây dựng tuyến cao tốc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo hình đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT. Đó là các dự án Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Đồng Nai.
Dự kiến tổng mức đầu tư 8 dự án này khoảng hơn 100.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư Nhà nước 40.360 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, sau khi có kết quả sơ tuyển vào tháng 8/2019, quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án cao tốc Bắc Nam sẽ bắt đầu từ tháng 10, sau đó là công tác chấm thầu, phê duyệt kết quả trong tháng 3/2020; đàm phán, ký kết hợp đồng trong tháng 4/2020.