Ông Fatih Kemal Ebiclioglu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu điện, điện tử, máy móc và công nghệ thông tin Thổ Nhĩ Kỳ (TET) trao đổi với VnExpress.net về những cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam trong lĩnh vực điện, điện tử và công nghệ thông tin.
- Tại sao doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nhắm đến lĩnh vực điện, điện tử và công nghệ thông tin trong lần giao thương đầu tiên với các đối tác ở Việt Nam?
- 3 lĩnh vực này nằm trong số những ngành công nghiệp chủ đạo của Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi cho rằng bất cứ doanh nghiệp nào hoạt động đều không thể thiếu công nghệ thông tin trong thời đại số này, gồm cả phần cứng và phần mềm và các dịch vụ liên quan khác. Ngoài 3 lĩnh vực nói trên, doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ còn quan tâm đến lĩnh vực năng lượng, điện hạt nhân tại Việt Nam.
Tổng xuất khẩu của ngành điện, điện tử, công nghệ thông tin trên toàn cầu của Thổ Nhĩ Kỳ đạt hơn 12 tỷ USD mỗi năm. Lĩnh vực này không chỉ cung cấp số lượng việc làm đáng kể mà còn có cả những lợi thế cạnh tranh riêng. Tôi cũng được biết nhóm hàng điện thoại di động và linh kiện đứng vị trí thứ 2 trong nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, đạt khoảng 200 triệu USD trong năm 2012, tăng 65% so với năm 2011.
- Trong 3 ngành điện, điện tử, công nghệ thông tin, doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quan tâm nhiều nhất đến lĩnh vực nào?
- Hiệp hội các nhà xuất khẩu điện, điện tử, máy móc và công nghệ thông tin Thổ Nhĩ Kỳ (TET) đã tiến hành khảo sát thị trường Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ. Hai nước có những thế mạnh khác nhau, nhưng cho đến thời điểm này ngành điện tử sẽ được doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm nhiều nhất.
Ngành công nghiệp sản xuất trang thiết bị điện gia dụng và thiết bị sản xuất hiện chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước của Thổ Nhĩ Kỳ.
- Theo ông, đâu là trở ngại lớn nhất giữa doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam trong việc giao thương?
- Đây là lần đầu tiên TET tổ chức buổi giao lưu thương mại với sự tham dự của 10 doanh nghiệp hàng đầu trong ngành điện, điện tử, công nghệ thông tin của Thổ Nhĩ Kỳ và trên 100 doanh nghiệp Việt Nam. Theo tôi, chỉ trong khoảng thời gian ngắn như thế này sẽ không dễ dàng để xác lập ngay mối quan hệ hợp tác kinh doanh, nhưng qua buổi gặp gỡ này có thể giúp doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ xác định được đối tác phù hợp và có thể biết được nhu cầu thực tế.
Kim ngạch xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ được kỳ vọng sẽ tăng hơn trong thời gian tới khi 2 nước đi đến ký kết hiệp định bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế 2 lần, hiệp định vận chuyển hàng không… Những hiệp định này khi được ký kết sẽ là công cụ hữu ích để giúp phát triển mạnh hơn giao thương giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ.
- Ông có thể cho biết yếu tố nào hấp dẫn nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ khi rót vốn vào Việt Nam?
- Việt Nam là thị trường đang phát triển, còn rất nhiều tiềm năng. Ngoài ra, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của 2 nước còn hạn chế nên là cơ hội lớn. Mặc khác, Hiệp hội TET nhận thấy còn nhiều cơ hội để xúc tiến đầu tư hợp tác ở thị trường này.
Tính đến hết năm 2008, tổng số vốn đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ vào Việt Nam chỉ đạt 41,35 triệu USD với 7 dự án. Vào năm 2009, Thổ Nhĩ Kỳ không có thêm dự án đăng ký mới nào. Năm 2010 và 2011, mỗi năm có một dự án đầu tư đăng ký mới. Tính đến tháng 12 năm 2012, Thổ Nhĩ Kỳ có 9 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 68,8 triệu USD, đứng thứ 45 trong 94 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
- Doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ có định hỗ trợ gì cho doanh nghiệp Việt trong 3 lĩnh vực điện, điện tử và công nghệ thông tin?
- Hiện nay, Hiệp hội các nhà xuất khẩu điện, điện tử, máy móc và công nghệ thông tin Thổ Nhĩ Kỳ (TET) hiện có hơn 6.000 công ty xuất khẩu thành viên. Mục đích của TET là cầu nối để doanh nghiệp Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ có dịp trao đổi, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Tôi không thể buộc doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ phải tìm được được ngay đối tác hay ký ngay hợp đồng mua bán vì điều này còn phụ thuộc vào năng lực, tài chính của từng doanh nghiệp.
Theo tôi, trong tương lai doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ có thể mở những trung tâm nghiên cứu và phát triển tại thị trường Việt Nam để phát triển sản phẩm mới tùy theo nhu cầu thực tế.
Minh Ngọc