Quyết định dừng được EGATi thông báo với Bộ Công Thương vào cuối tháng 5, sau hơn hai năm khởi công làm phần hạ tầng kỹ thuật tại Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị.
Lý do dừng dự án do nhà đầu tư thay đổi chiến lược phát triển và khó huy động vốn làm điện than. Theo thiết kế, dự án này có tổng công suất đặt 1.320 MW (gồm 2 tổ máy, mỗi tổ máy 660 MW), tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD. Dự án được Thủ tướng đồng ý cho EGATi làm chủ đầu tư, triển khai theo hình thức BOT vào 2013, nhưng đến cuối 2019 mới khởi công phần hạ tầng kỹ thuật. Dự án điện BOT được cam kết bao tiêu giờ phát trong năm, giá mua điện theo vòng đời dự án.
Trước việc nhà đầu tư Thái Lan xin dừng dự án nhà máy nhiệt điện, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Trị đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị Thủ tướng, các bộ ngành chấp thuận giữ quy hoạch 1.320 MW. Việc giữ lại quy hoạch này để tỉnh nghiên cứu, tìm kiếm nhà đầu tư khác thay thế, theo hướng sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường, thay thế than.
Liên quan tới chuyển đổi nguyên liệu sản xuất điện than nhằm thực hiện cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào 2050, Quy hoạch điện VIII đưa ra lộ trình chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy điện than sang các loại nhiên liệu sinh khối như biomass và ammoniac.
Theo đó, việc chuyển đổi nhiên liệu than sang các nhiên liệu giảm phát thải sẽ áp dụng khi nhà máy nhiệt than đủ 20 năm vận hành để đảm bảo hiệu quả kinh tế của nhà máy. Với nhà máy không thực hiện chuyển đổi, sẽ nghiên cứu xây dựng phương án dừng hoạt động khi vận hành đủ 40 năm.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) được giao đề xuất các cơ chế ban đầu cho việc chuyển đổi của các nhà máy điện than, như quy hoạch vùng nguyên liệu, hỗ trợ tài chính, giá bán điện. Đây sẽ là cơ sở để các nhà máy nhiệt điện thực hiện lộ trình chuyển đổi.