Cổ phiếu VPB của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng chịu áp lực chốt lời mạnh sau thông tin bán 49% vốn FE Credit cho Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui. Trong những phút đầu giao dịch, VPB có lúc bị điều chỉnh xuống 54.200 đồng nhưng sau đó nhanh chóng trở lại tham chiếu nhờ lực cầu của nhà đầu tư trong nước.
Cổ phiếu này tăng trần lên 58.800 đồng trước phiên ATC, nhưng rồi lại thu hẹp biên độ còn 6,4% và đóng cửa tại 58.500 đồng.
VPB dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên sàn TP HCM với 41,53 triệu cổ phiếu, cao hơn mã xếp sau gần 3 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch đạt 2.340 tỷ đồng, lập kỷ lục từ khi niêm yết vào tháng 8/2017. Trái với động thái gom hàng của nhà đầu tư trong nước, khối ngoại tích cực chốt lời VPB. Giá trị bán ròng hôm nay xấp xỉ 590 tỷ đồng.
Đà tăng của VPB đóng góp tích cực cho VN-Index trong phiên giao dịch cuối cùng trước đợt nghỉ lễ. Thị trường giữ mạch tăng ba phiên liên tiếp, trái với dự đoán của giới phân tích về áp lực chốt lời để hạn chế rủi ro sau dịp lễ.
VN-Index duy trì sắc xanh suốt phiên, nhưng giằng co quyết liệt quanh vùng 1.235 điểm trước khi bật mạnh trong những phút cuối. Chỉ số đóng cửa tại 1.239,39 điểm, tăng gần 10 điểm so với tham chiếu.
Tiêu dùng thiết yếu là nhóm cổ phiếu duy nhất giảm điểm. Trong khi đó, nguyên vật liệu, dịch vụ tiện ích, tiêu dùng, năng lượng... đều tăng ít nhất 0,75%.
Rổ VN30 đóng góp lớn cho phiên giao dịch hôm nay. Chỉ số đại diện cho rổ này tăng hơn 18 điểm, lên 1.312,28 điểm. Ngoài VPB, các mã còn lại thuộc nhóm ngân hàng như CTG, VPB, TCB, ACB, HDB... cũng có trạng thái hưng phấn khi cùng tích luỹ trên 1%.
Ở chiều ngược lại, hai cổ phiếu họ Vingroup cùng nằm trong nhóm ghì chỉ số VN-Index xuống nhiều nhất. VHM mất 1,6% xuống 99.300 đồng, còn VIC mất 0,4% xuống 131.000 đồng.
Thanh khoản thị trường tăng gần 4.000 tỷ đồng so với hôm qua, đạt 19.300 tỷ đồng và ngắt chuỗi giảm sáu phiên trước đó. Khối lượng giao dịch đạt hơn 647 triệu cổ phiếu.
Phương Đông