Tại cuộc họp giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với các nhà đầu tư điện mặt trời, nhiều chủ đầu tư lo lắng khó kịp tiến độ vận hành vào cuối năm để hưởng giá ưu đãi 7,09 cent một kWh do ảnh hưởng của Covid-19 và nối lưới vào hệ thống điện.
Lo lưới điện vào chậm
Ông Nguyễn Hữu Vinh - Phó chủ tịch Uỷ ban Phát triển Năng lượng Tập đoàn Hà Đô cho biết, đơn vị này đang thi công dự án điện mặt trời công suất 50 MW tại Ninh Thuận và dự kiến tháng 7 đóng điện. Nhưng lại gặp thế "kẹt" khi đường dây 174 Tháp Chàm - Ninh Phước chưa thi công xong và theo kế hoạch tới tháng 9 đường dây này mới hoàn thành.
"Chúng tôi đề xuất đẩy nhanh xây dựng đường dây này, đóng điện giai đoạn 1 trước tháng 8 để dự án có thể thử nghiệm. Trường hợp kéo dài thêm, cho phép dự án đóng tạm vào mạch 1 của đường dây Tháp Chàm Ninh Phước để vận hành thương mại (COD)", vị này cho hay.
Tương tự, giai đoạn 2 nhà máy điện mặt trời Sao Mai công suất 104 MW (thuộc Tập đoàn Sao Mai) theo kế hoạch sẽ đóng điện vào cuối năm nay, nhưng dự án nâng cấp đường dây Tịnh Biên - Châu Đốc lại vào trễ hơn 2-3 tháng. Ông Hồ Mạnh Dũng - đại diện Tập đoàn Sao Mai lo "nhà máy sẽ gặp trở ngại về công suất nếu dự án nâng cấp đường dây lưới điện không vào kịp tiến độ".
Lo lắng khác cũng được ông Dũng nêu là các chuyên gia nước ngoài chưa thể sang Việt Nam vì Covid-19 để kiểm tra lắp ráp thiết bị. Không được cấp có thẩm quyền gỡ vướng, cho phép chuyên gia sang làm việc, đại diện Sao Mai nói "dự án khó vận hành kịp tiến độ vào cuối năm để hưởng giá ưu đãi".
Ông đề nghị EVN ngoài đốc thúc Tổng công ty điện lực miền Nam (EVNSPC) - đơn vị chịu trách nhiệm đầu tư, thi công đường dây Tịnh Biên - Châu Đốc đẩy nhanh tiến độ, thì cũng góp ý với Chính phủ kéo dài thêm thời gian có hiệu lực của giá FIT ưu đãi để các dự án điện mặt trời "có thể hoàn thành tròn trịa, vận hành trơn tru mà không để lại di chứng sau này do thiết bị chưa hoàn thiện".
Đại diện phòng phương thức vận hành thuộc Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, vừa qua một loạt dự án đường dây truyền tải được đưa vào vận hành, giúp giảm tối đa việc cắt giảm công suất, huy động tối đa các nhà máy điện mặt trời.
Chẳng hạn, tại địa bàn Ninh Thuận, Bình Thuận vẫn ghi nhận hiện tượng quá tải ở một số thời điểm, nên A0 phải "mở vòng", giảm huy động thủy điện đảm bảo đường dây không vượt quá mức cho phép.
Sau khi nâng cấp lưới điện khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận và đưa vào khai thác trạm biến áp 220 kV Ninh Phước vào cuối tuần trước, đã giải toả khoảng 248 MW điện mặt trời khu vực này. "Cắt giảm công suất tại Ninh Thuận, Bình Thuận cũng giảm xuống gần 10%, so với mức 34% năm ngoái. Tại khu vực An Giang, tỷ lệ sản lượng cắt giảm đã xuống mức thấp, 6-8%", đại diện Phòng phương thức vận hành A0 chia sẻ.
Vị này cũng cho biết, nguyên tắc chung trong điều độ là phân bổ đều công suất phát cho các nhà máy theo tỷ lệ công suất công bố, không phân biệt giá. Và hiện các nhà máy năng lượng tái tạo (điện mặt trời, gió) được ưu tiên huy động cao hơn so với nhà máy truyền thống. Chẳng hạn, vừa qua điều độ khu vực đã giảm huy động thuỷ điện Đa Nhim để ưu tiên huy động năng lượng tái tạo.
"Hiện tại thuỷ điện Đa Nhim chưa xả thì tạm dừng huy động khi điện mặt trời phát. Tới đây vào mùa lũ, thuỷ điện xả thì cùng cắt giảm như điện mặt trời", đại diện A0 thông tin.
Riêng với đề nghị của Tập đoàn Hà Đô về nâng cấp đường dây Tháp Chàm - Ninh Phước, theo đại diện Tổng công ty điện lực miền Nam (EVNSPC), công trình này đang còn vướng 7 vị trí cột chưa thoả thuận xong với các hộ dân. Nhưng EVNSPC sẽ cố gắng dựng và đấu nối xong phần trụ dự án của Hà Đô đi qua vào cuối tháng 8 để nhà máy kịp vận hành đấu nối, thử nghiệm.
Ông Ngô Sơn Hải - Phó tổng giám đốc EVN yêu cầu EVNSPC phải hoàn thành hạng mục cột, kéo dây phần đi qua dự án của Hà Đô vào 15/8, chứ "không thể chậm trễ hơn".
Với đường dây Tịnh Biên - Châu Đốc, theo kế hoạch EVNSPC sẽ hoàn thành thủ tục và hoàn tất dự án vào quý I/2021. Với mốc thời gian này, đại diện EVNSPC cho rằng "dự án điện mặt trời giai đoạn 2 của Sao Mai vẫn có thể đóng điện được".
Tuy nhiên, mốc thời hạn này không được Phó tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải đồng ý, ông yêu cầu tổng công ty phải đẩy nhanh tiến độ và chịu trách nhiệm hoàn thành đường dây vào tháng 12/2020, không đẩy sang năm 2021.
Công suất công bố và phát thực tế sai lệch tới 59%
Số liệu thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống quốc gia (A0) cho thấy, tháng 7/2020 có thêm 11 nhà máy điện mặt trời được đưa vào vận hành, công suất 429 MW. Như vậy, một năm qua, đã có 110 nhà máy vận hành, tổng công suất đặt 5.482 MW, chiếm 9,5% tổng công suất toàn hệ thống điện. Tuy nhiên, sản lượng dự kiến chỉ đạt 4,3% toàn hệ thống, với tỷ lệ đóng góp chủ yếu tập trung ở miền Trung, miền Nam.
Khó khăn cho điều độ hệ thống điện hiện nay, theo ông Nguyễn Đức Ninh - Giám đốc A0, là vừa qua trung tâm này ghi nhận nhiều nhà máy năng lượng tái tạo dự báo chưa chính xác dẫn tới sai số giữa công suất công bố của nhà máy với công suất phát được thực tế. Bình quân sai số dự báo công suất phát của các nhà máy là 30%, cá biệt có dự án sai số tới 59%.
Theo quy định các nhà máy đều phải có dự báo và gửi cho A0 để phục vụ cho phương thức vận hành. Do đó, việc các nhà máy có sai số lớn, làm "méo" quá trình vận hành của hệ thống điện và ảnh hưởng đáng kể tới các nhà máy trong cùng khu vực vì đánh giá công suất này được đưa vào phân bổ các nhà máy.
"Nếu có một nhà máy công bố sai số quá nhiều sẽ ảnh hưởng tới các nhà máy xung quanh", ông nói.
Ở khía cạnh nhà đầu tư dự án, ông Hồ Quang Dũng giải thích việc dự báo công suất của các nhà máy ở nhiều thời điểm chưa chuẩn xác là do "yếu tố thời tiết". Ông mong A0, EVN thông cảm, bởi nếu khống chế sản lượng phát với đơn vị dự báo sai sẽ "rất kẹt cho nhà máy".
Để giải tỏa năng lượng tái tạo, đại diện A0 cho rằng việc nâng cấp các đường dây truyền tải có ý nghĩa lớn. Loạt công trình lưới điện 500kV, 220kV và 110kV sẽ được các đơn vị đưa vào vận hành cuối năm nay, song vẫn chưa giải tỏa được như kỳ vọng.
"EVN đã kiến nghị tới Cục điều tiết, Bộ Công Thương sớm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật dự báo, đấu nối và vận hành. Quy định về thị trường dịch vụ phụ đáp ứng nhu cầu năng lượng tái tạo và cơ chế khuyến khích phát triển hệ thống pin tích trữ năng lượng" đại diện A0 nói, và đề nghị chủ đầu tư cung cấp thông tin thường xuyên về thử nghiệm, đóng điện và vận hành.
Theo Quyết định 13, thời gian để hưởng giá FIT ưu đãi 7,09 cent một kWh với điều kiện dự án điện mặt trời phải đưa vào vận hành trước 31/12/2020, tức là còn khoảng 5 tháng. Danh sách số dự án điện mặt trời được hưởng giá FIT ưu đãi theo quyết định là này 35, và hiện còn khoảng 25 dự án đang "chạy rốt đa thi công" kịp hoàn thành vào cuối năm nay.
Với thời gian ngắn như vậy, Phó tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải đánh giá "có thể sẽ có hiện tượng 'dồn toa' đóng điện vào cuối năm". Vì thế, ông yêu cầu các đơn vị EVN phối hợp với chủ đầu tư, nhà máy vận hành đảm bảo tránh xảy ra sự cố mất an toàn.
"Cố gắng đưa toàn bộ số nhà máy còn lại vào vận hành, rồi thí nghiệm trước 31/12 để thuận tiện cho các bên, tránh kéo dài sang năm sau", ông đề nghị.
Anh Minh