Trước phòng giao dịch của một ngân hàng thương mại trên phố Láng Hạ (Hà Nội), tấm băng rôn thông báo lãi suất tối đa của ngân hàng chùng xuống tự bao giờ. Phải nhìn kỹ, khách mới nhìn rõ các mức lãi suất đôla và tiền đồng được dán bằng giấy trắng nhăn nhúm chồng lên mức cũ.
Lãi suất VND cao nhất trên tấm băng rôn vẫn là từ 2 hôm trước: 16%, trong khi cách đó một ngày, mặt bằng toàn thị trường đã là 17,5%. Khi khách bước vào, giám đốc phòng giao dịch vẫn đang loay hoay tự tay in các mức lãi suất mới để nhân viên dán lên các bảng niêm yết. Băng rôn ở đây được treo từ trước, mỗi khi có biểu lãi suất mới, nhân viên chỉ in mới và dán chồng lên.
Vị giám đốc phòng giao dịch bối rối giải thích, vừa sáng qua ngân hàng điều chỉnh lãi suất lên 16%, đến sáng nay lên 17%. Nhưng nhân viên ở đây chưa kịp treo biểu lãi suất mới thì chỉ vài giờ sau, hội sở đã thông báo nâng tiếp lên 17,5%.
Mỗi lần có lãi suất mới, ngân hàng lại này dán các mức mới lên băng rôn. |
Biểu lãi suất mới được dán trên bảng và trên tường. |
Tình trạng bảng niêm yết "chạy" không kịp lãi suất diễn ra ở hầu hết nhà băng. Sáng 11/6, khách hàng đến chi nhánh của một ngân hàng quốc doanh được chìa cho xem một tờ giấy viết tay các mức lãi suất mới. Vừa giải thích với khách lý do chưa kịp niêm yết lãi suất mới do điều chỉnh nhanh quá, nhân viên nhà băng vừa hô nhau ra dán lại bảng thông báo trước cửa.
Phương án được nhiều ngân hàng sử dụng trong thời điểm lãi suất biến động theo giờ là tự in biểu lãi suất mới và dán lên cửa kính, thậm chí tường, của các phòng giao dịch. Cách này xem ra vừa nhanh chóng, lại vừa tiết kiệm.
Một vài nơi lịch sự hơn thì có hẳn một tờ giấy A0 in lãi suất cao nhất của ngân hàng dán phía ngoài. Cũng có nhà băng chọn cách "cơ động" nhất là đặt một tấm bảng ra cửa, lãi suất thay đổi đến đâu, nhân viên xóa mức cũ, điền mức mới đến đó.
Một khách hàng tại một chi nhánh ngân hàng trên phố Giang Văn Minh (Hà Nội) bật cười cho hay, thoạt đầu chị rất ngạc nhiên về việc các nhà băng có phần cẩu thả khi niêm yết lãi suất, bởi trước nay ngân hàng nào cũng tinh tươm. Song dần dần chị cũng quen và thông cảm, vì các nhà băng liên tục phải tăng lãi suất. "Ngay trong lúc tôi ngồi đây, người ta cũng ra viết biểu lãi suất mới chỉ sau một cú điện thoại", chị nói.
Nhà băng này là khá lịch sự so các nơi khác, khi niêm yết lãi suất bằng một tờ giấy Ao. |
Cách đơn giản và tiện dụng nhất là lãi suất tăng đến đâu, xóa mức cũ, điền mức mới đến đó. |
Một ngân hàng cho hay, mỗi chi nhánh hay phòng giao dịch của nhà băng này treo một băng rôn ngang và 2 dải dọc niêm yết các mức lãi suất. Giá chung của 3 dải băng rôn là trên dưới 550.000 đồng. Với một ngân hàng cỡ nhỏ hoặc trung bình với khoảng 40 phòng giao dịch và chi nhánh, chi phí là trên 20 triệu đồng.
Với các nhà băng có quy mô lớn, với 70-80 phòng giao dịch, số tiền tăng gấp vài lần. Trong khi đó, riêng trong 2 ngày 11-12/6, có ngân hàng thay đổi lãi suất đến 4 lần. "Nếu đi cùng mỗi lần điều chỉnh lãi suất là một lần thay đổi băng rôn, các ngân hàng sẽ sớm lỗ vốn", một giám đốc chi nhánh ngân hàng nói vui.
Lãi suất tại các ngân hàng bám đuổi nhau cũng khiến nhân viên nhà băng mệt nhoài. Giám đốc một phòng giao dịch cho hay, do lãi suất liên tục điều chỉnh, nhân viên tại đây phải đối chiếu và xử lý các sổ tiết kiệm một cách thủ công. Nhân viên của ngân hàng những ngày này cũng phải làm muộn mới xử lý xong công việc.
Lãi suất liên tục thay đổi nên chuyện khách hàng xê dịch giữa các ngân hàng diễn ra thường xuyên. Quản lý một chi nhánh ngân hàng cho hay, chỗ ông có một khách quen, vốn gửi 5 tỷ đồng tại đây được vài năm và rất ít so bì lãi suất nơi này với các nơi khác. Kể từ khi lãi suất có biến động đến nay, ông khách cũng chỉ một lần yêu cầu chuyển lên mức lãi suất mới.
Tuy nhiên, mới đây ông này một mực đòi rút tiền khỏi nhà băng. Nhân viên tại đây để ý, ngay sau khi rời ngân hàng, vị khách lập tức mang tiền sang gửi tại nhà băng bên kia đường, nơi vừa công bố lãi suất huy động cao hàng đầu thị trường.
Thu Nga