Lượng giao dịch 200-500 triệu đồng rất nhiều. |
Áp dụng các điều khoản trong nghị định mới, tổ chức tín dụng sẽ phải giám sát và báo cáo các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, đặc biệt là những khoản giao dịch có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên (với giao dịch tiền mặt) hoặc 500 triệu đồng trở lên (với giao dịch tiền gửi tiết kiệm). Việc báo cáo phải thực hiện trong thời gian chậm nhất là 48 tiếng thông qua các hình thức văn bản, điện tử, thậm chí bằng điện thoại, trong đó cung cấp đầy đủ thông tin nhận biết khách hàng, thời gian và thời hạn tiến hành giao dịch hoặc phát lệnh giao dịch; các bên liên quan tới giao dịch; các giấy tờ, tài liệu mà các bên sử dụng trong giao dịch; các biện pháp phòng ngừa đã được thực hiện.
"Ban hành Nghị định 74 về phòng chống rửa tiền là một việc phải thực hiện theo cam kết quốc tế, nhưng nếu áp dụng ngay từ 1/8 và đúng tinh thần vừa ban hành, sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế và tạo tâm lý lo ngại cho người dân có tiền gửi tiết kiệm cũng như các doanh nghiệp", lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tâm sự với VnExpress.
Theo vị lãnh đạo này, việc cơ quan chức năng giám sát và báo cáo giao dịch "đáng ngờ" qua ngân hàng làm cho người dân và doanh nghiệp có thu nhập chân chính lo ngại, thậm chí không muốn quan hệ với ngân hàng vì có cảm giác tài sản của mình luôn bị theo dõi. Và hệ quả có thể nhìn thấy trước là, thay vì gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi tiết kiệm thì người dân sẽ đầu tư vào vàng, đôla Mỹ hoặc nhà đất để bảo đảm bí mật. Nguồn kiều hối gửi về nước vì thế cũng sẽ giảm đi nhanh chóng. Còn các doanh nghiệp sẽ ưu tiên phương thức thanh toán bằng tiền mặt để khỏi bị "nhòm ngó" mỗi khi giao dịch qua ngân hàng với giá trị lớn. Việc lập trung tâm chống rửa tiền càng tạo thêm áp lực tâm lý đối với người dân và doanh nghiệp, luôn lo sợ vì bất kỳ lúc nào cũng có thể bị thẩm vấn nguồn gốc những đồng tiền đang có trong tài khoản.
Bản thân giới kinh doanh ngân hàng cũng rất miễn cưỡng khi nghĩ tới chuyện phải tuân thủ hoàn toàn các điều khoản trong nghị định, một phần vì lo ngại sẽ mất khách, phần khác vì những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Chỉ riêng một sở giao dịch của một ngân hàng quốc doanh, mỗi ngày lượng tiền chi ra thu vào từ các nguồn khác nhau có thể lên tới hàng chục tỷ đồng, nếu cứ phải báo cáo mỗi khi tổng giá trị giao dịch của một khách hàng đạt 200-500 triệu đồng thì khối lượng công việc vô cùng lớn. "Chỉ báo cáo thôi cũng rất mệt. Có quá nhiều khoản giao dịch mỗi ngày và số lượng rất lớn, làm sao có thể báo cáo hết được", đại diện một ngân hàng thương mại quốc doanh bức xúc.
Phó giám đốc Học viện Ngân hàng, bà Tô Kim Ngọc cho rằng, nếu cứ áp dụng theo đúng tinh thần nghị định mà không tuyên truyền và giải thích thoả đáng cho người dân thì rất nguy hiểm cho các nhà kinh doanh ngân hàng. Theo bà, bức xúc của nhiều giám đốc nhà băng là điều dễ hiểu, bởi các quy định trong nghị định mâu thuẫn với "cái gọi là đảm bảo bí mật các khoản tiền gửi qua ngân hàng". Nghị định của Chính phủ về chế độ bảo mật tài liệu quốc gia ghi rõ, tiền gửi hoặc giao dịch của các tổ chức và cá nhân tại ngân hàng được bảo vệ dưới dạng "mật".
"Muốn chống rửa tiền phải làm rõ thế nào là tiền bẩn phải rửa và tiền sạch không phải rửa. Nếu áp dụng quy định giám sát và báo cáo các khoản trên 200 triệu hoặc 500 triệu đồng đối với mọi giao dịch e không khả thi. Và tôi e các ngân hàng thương mại sẽ không tuân thủ nghị định đó một cách máy móc. Không phải mọi người dân đều biết tới nghị định này, nhưng bất cứ ai đã đọc đều có tâm lý hoang mang, kể cả người gửi tiền cũng như lãnh đạo các ngân hàng", bà Ngọc phân tích.
Một số ý kiến còn tỏ ra thiếu tin tưởng vào khả năng kiểm soát tiền "bẩn" khi Nghị định 74 đi vào cuộc sống. Giới kinh doanh ngân hàng cho rằng, thực ra các giao dịch phi pháp thường không vào ngân hàng. Hạn mức 10.000 USD hoàn toàn được chấp nhận ở Mỹ hay một số quốc gia khác, vì ở đó mọi hoạt động giao dịch đều thông qua tài khoản ngân hàng. Trong khi ở Việt Nam, chỉ những nguồn tiền nhàn rỗi mới gửi vào nhà băng. Giám đốc một ngân hàng thương mại nhận định, chống rửa tiền là mục tiêu tốt. Nhưng nếu áp dụng ngay những điều khoản của nghị định này từ 1/8, sẽ không chống được “tiền bẩn” mà sẽ trực diện tẩy chay “tiền sạch” của người dân tại hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Trao đổi với VnExpress trưa nay, tân Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến cho rằng quan ngại của giới kinh doanh và các nhà nghiên cứu về nghị định chống rửa tiền có thể xuất phát từ việc "chưa nắm bắt đầy đủ vấn đề". Theo ông, phòng chống rửa tiền là nghiệp vụ đã được thế giới đặt ra từ hàng chục năm nay và nhiều tổ chức cũng đã có hiệp ước để cùng nhau phối hợp hành động. "Ở Việt Nam, điều này hoàn toàn mới và đôi khi cảm thấy rằng những quy định đó sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, bí mật cá nhân và tài sản. Nhưng thực chất của văn bản này không phải như vậy, mà nhằm bảo vệ tốt nhất lợi ích của đất nước, cá nhân và doanh nghiệp".
Theo Phó thống đốc, các quy định trong Nghị định 74 không nhằm hạn chế giao dịch tiền mặt, mà chỉ nhằm theo dõi những giao dịch không bình thường, phục vụ mục đích bất hợp pháp. Ông Tiến khẳng định, đây đơn thuần chỉ là yêu cầu giám sát, tổ chức tín dụng sẽ báo cáo con số đó cho cơ quan giám sát, cơ quan giám sát sẽ tự mình giám sát và nếu có vấn đề gì mới ra tay, chứ hoàn toàn không cản trở, gây khó khăn hay công bố số liệu mà ngân hàng báo cáo.
"Nếu cơ quan chuyên trách về chống rửa tiền hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, bên cạnh việc phát hiện những hoạt động bất hợp hợp pháp họ vẫn giữ được bí mật cá nhân, tài sản cũng như kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp. Khi đó, tôi tin nghị định chống rửa tiền sẽ ngày càng được ủng hộ rộng rãi trong dư luận", ông Tiến nói.
Song Linh