Ngày 31/10, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Ai Cập tuyên bố đã hủy hoại máy bay mang số hiệu 7K9268 của hãng hàng không giá rẻ Nga Kogalymavia (Metrojet) trên bán đảo Sinai, Ai Cập, khiến toàn bộ 217 hành khách cùng 7 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Căn cứ vào các nghiên cứu ban đầu tại hiện trường, giới chức Ai Cập cũng như các điều tra viên đã bác bỏ tuyên bố này và nhận định không có dấu hiệu cho thấy máy bay bị tấn công khủng bố.
Chuyên gia Thierry Vigoureux của nhật báo Le Point của Pháp nhận định việc điều tra sẽ rất phức tạp và kéo dài bởi vụ việc liên quan đến lợi ích của nhiều bên và nhiều quốc gia khác nhau. Báo cáo sơ bộ sẽ được đưa ra sớm nhất sau một tháng, còn báo cáo chi tiết sẽ được công bố sau khoảng một năm.
Trong khoảng thời gian báo cáo điều tra chưa được đưa ra, các bên liên quan thường tìm cách bảo vệ lợi ích thiết yếu của mình, chuyên gia này cho hay.
Theo đó, việc một máy bay dân sự chở nhiều du khách bị bắn hạ hoặc bị tấn công khủng bố sẽ đẩy nền công nghiệp du lịch vốn đang khó khăn của Ai Cập vào tình trạng khốn đốn hơn. Giới chức Ai Cập ngay lập tức khẳng định không có dấu hiệu khủng bố trong thảm kịch hàng không này là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Liên quan đến Nga, các chuyên gia của Pháp nhận định rằng việc công bố khả năng xảy ra khủng bố với chiếc máy bay tại thời điểm này sẽ ảnh hưởng lớn đến dư luận trong nước, đặc biệt khi IS tuyên bố làm như vậy để trả thù chiến dịch can thiệp quân sự của Nga tại Syria.
Nhiều khả năng giới chức Nga lo ngại tỷ lệ người dân Nga ủng hộ chiến dịch không kích ở Syria sẽ sụt giảm vì lo sợ và tức giận với nguy cơ khủng bố. Sẽ không khách quan nếu nói rằng Nga tìm cách che giấu sự thật, nhưng không đề cập đến khả năng xấu vào thời điểm này là hoàn toàn hợp lý, các chuyên gia Pháp nhận định.
Ngoài ra các nhân viên điều tra của Pháp và Đức được phái đến hỗ trợ cũng sẽ rất thận trọng khi đưa ra tuyên bố bởi Ai Cập là khách hàng vũ khí lớn nhất của Pháp gần đây với nhiều hợp đồng máy bay và tàu chiến có giá trị lớn.
Khả năng khủng bố
Nhiều chuyên gia hàng không Pháp cho rằng khả năng máy bay Nga bị tấn công khủng bố tương đối cao, và xác suất máy bay gặp sự cố kỹ thuật là rất thấp.
Chuyên gia hàng không Michel Polacco của đài France Info cho rằng phạm vi phân tán các mảnh vỡ của máy bay cho thấy có một sức nén bung ra rất lớn đã khiến toàn bộ cấu trúc của máy bay bị vỡ tung. Khả năng trục trặc kỹ thuật dẫn đến hiện tượng này rất hiếm khi xảy ra, thậm chí hầu như không có.
"Phạm vi phân tán của tán của các mảnh vỡ khiến chúng tôi nghĩ đến khả năng khủng bố, bởi chỉ có chất nổ hoặc bom mới gây ra sức công phá lớn như vậy", ông Polacco nói.
Các chuyên gia an ninh và hàng không cho biết phiến quân trên bán đảo Sinai chỉ sở hữu tên lửa vác vai, loại tên lửa chủ yếu dùng để bắn trực thăng và máy bay tầm thấp ở độ cao khoảng 6.000 mét. Máy bay 7K9268 đang bay ở độ cao hơn 9.400 mét lúc gặp nạn, nên rất khó có thể vỡ tung vì trúng một quả tên lửa vác vai.
Bản tuyên bố của IS không đề cập cụ thể đến việc dùng tên lửa để bắn rơi máy bay. Chúng chỉ khẳng định đã gây ra vụ việc và không đề cập đến cách thức tiến hành ra sao.
Hơn nữa, lực lượng phiến quân thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo IS đã rất tự tin khi đứng ra nhận trách nhiệm về vụ việc. Bản tuyên bố của chúng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, thậm chí còn được ghi âm để phát tán.
Theo chuyên gia về khủng bố Romain Caillet, đến nay IS chưa bao giờ nhận trách nhiệm về một vụ khủng bố mà chúng không gây ra, ngoại lệ duy nhất là cuộc tấn công vào trại lính của Nga ở Caucasus vào tháng 9 năm ngoái. Nếu tiếp tục làm như vậy, phiến quân IS sẽ đối mặt với khả năng đánh mất thanh thế mà chúng đang nỗ lực gây dựng trong thời gian qua.
"Việc thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào Nga ở Ai Cập có ý nghĩa với IS bởi Ai Cập là quốc gia Arab duy nhất ủng hộ chiến dịch can thiệp quân sự của Nga tại Syria", ông Caillet cho biết.
Ông Vigoureux cho rằng rất khó xảy ra lỗi kỹ thuật hoặc sai sót của con người, bởi dù hoạt động đã lâu, chiếc máy bay gặp nạn được bảo dưỡng tốt và phi hành đoàn được đánh giá là những người dày dạn kinh nghiệm.
Một khi đã đạt đến độ cao hành trình, dù động cơ bị hỏng và ngưng hoạt động hoàn toàn, máy bay vẫn có khả năng đáp xuống một sân bay gần nhất, ông nói.
Ông này đặt giả thuyết một kẻ đánh bom tự sát của IS đã đặt chất nổ hoặc thiết bị gây cháy vào khoang của máy bay, và ngòi nổ có thể được kích hoạt bằng đồng hồ hẹn giờ hoặc một cơ chế kích hoạt nổ theo độ cao, sát hại toàn bộ 224 người trên chiếc phi cơ.
Nguyễn Hoàng