Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh - Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết đau vai là một tình trạng phổ biến. Ước tính có khoảng 20% dân số từng bị đau vai trong suốt cuộc đời. Tuy đau vai không gây tử vong nhưng lại ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, bởi đau khớp khiến cho tay gặp khó khăn trong việc cử động.
Vai có cấu tạo thế nào?
Vai giữ vai trò kết nối cánh tay với thân, bao gồm khớp ổ chảo và khớp cùng vai đòn. Khớp vai được đánh giá là khớp linh hoạt nhất cũng như có cấu trúc phức tạp nhất của cơ thể. Có 3 xương và gần 12 cơ khác nhau, dây chằng và gân cùng gặp nhau ở vai. Các mô liên kết tạo nên bao khớp vai để giữ cho chỏm xương cánh tay ở trong ổ khớp. Bọc bên ngoài bao khớp là màng hoạt dịch giúp cung cấp chất dinh dưỡng và bôi trơn khớp. Gân, dây chằng, cơ có vai trò giúp cố định và hỗ trợ khớp hoạt động tốt hơn.
Tất cả bộ phận kết nối với nhau một cách khéo léo để cánh tay di chuyển linh hoạt theo nhiều hướng. Đồng thời, cũng chính điều đó khiến cho vai phải dễ bị chấn thương mà đôi khi không tìm ra nguyên nhân gây đau nhức.
Cách nhận biết triệu chứng bệnh đau vai
Đau vai (gọi theo tiếng Anh là Shoulder Pain) được dùng để chỉ tình trạng đau nhức ở vùng vai. Tỷ lệ này rất lớn, chỉ xếp sau các bệnh lý về đau cột sống. Đau vai thường xuất hiện ở người trẻ tuổi do nguy cơ tai nạn giao thông hoặc chấn thương.
Nếu không được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, càng lớn tuổi, người bệnh càng đau hơn và các cơn đau cũng dai dẳng hơn. Nguyên nhân của tình trạng này được giải thích là do tác động của sự lão hóa khiến cho khớp vai và gân cổ tay quay bị hao mòn dần gây ra tình trạng đau vai.
Khi nào một người được xác định là đau vai? Theo Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà triệu chứng đau vai ở mỗi người cũng khác nhau. Tuy nhiên, dấu hiệu phổ biến nhất chính là: người bệnh cảm thấy cơn đau xuất hiện sâu bên trong khớp vai, có thể ở phía sau hay phía trước và nằm ở phần trên của cánh tay. Do ảnh hưởng của các cơn đau nên vai rất khó cử động và đau nhiều hơn khi di chuyển hay thay đổi tư thế. Khi bị đau cánh tay, người bệnh cảm thấy khó khăn trong việc cử động do vai hay cánh tay trên bị yếu. Tương tự như dấu hiệu tê bì chân tay, người bị đau vai cũng có cảm giác đau nhức, bên trong như bị châm chích, tê rần.
8 nguyên nhân gây đau vai thường gặp
Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh cho biết, vai là nơi gặp nhau của xương, cơ, gân và dây chằng để giúp cho tay hoạt động một cách linh hoạt, thực hiện được nhiều động tác phức tạp. Cũng chính vì vậy mà vai dễ bị chấn thương, nhức mỏi. Những nguyên nhân điển hình nhất của chứng đau vai là:
- Chấn thương: Khi nói đến chấn thương, nhiều người thường nghĩ đến hệ quả của các tai nạn lao động, té ngã... Tuy nhiên, tình trạng đau vai không chỉ do tai nạn giao thông, tai nạn lao động mà còn đến từ các hoạt động thể thao, nhất là các bộ môn đòi hỏi phải sử dụng tay nhiều như: bóng chuyền, bóng rổ, cử tạ, cầu lông, bơi lội... Bên cạnh đó, chấn thương còn có thể do các hoạt động thường nhật sai tư thế mà ít ai nghĩ đến như: giặt quần áo mạnh, với tay cao để lấy đồ đạc...
- Thoái hóa khớp vai: Lão hóa chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng vai bị đau. Điều này cũng tương đối dễ hiểu vì theo thời gian, các thành phần cấu tạo nên khớp vai bị bào mòn ngày một nghiêm trọng, nhất là sụn khớp và xương. Vì thế, xương vừa mất đi độ dẻo dai, lớp sụn bị phá hủy, dịch khớp thiếu và không đủ dinh dưỡng... khiến cho xương tăng độ ma sát gây nên hàng loạt đau đớn, nhất là khi vận động.
- Viêm quanh khớp vai: Đây là tình trạng khớp vai bị đau và hạn chế vận động do tổn thương ở sụn, xương khớp. Tình trạng này xuất hiện khi túi hoạt mạc - một bao nhỏ nằm giữa chóp xoay và phần dưới mỏm cùng vai - bị viêm dẫn đến các trường hợp viêm quanh khớp vai. Thống kê ở nước ta cho thấy có khoảng 2% dân số mắc bệnh này. Theo nghiên cứu, có 4 thể lâm sàng của viêm khớp xương vai gồm: thể đau khớp vai đơn thuần, thể đau vai cấp, thể giả liệt khớp vai, thể đông cứng khớp vai. Trong đó, thể đông cứng khớp vai là thể phổ biến nhất.
Ở tình trạng nhẹ, bệnh nhân đau một vài lần rồi dứt hẳn, nhưng nếu bị nặng, các cơn đau sẽ lan tỏa xuống toàn bộ cánh tay. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh có thể mất khả năng vận động cánh tay về sau.
- Rách cơ chóp xoay vai: Một tên gọi khác của tình trạng này là rách cơ quay khớp vai. Đây là hiện tượng các cơ quay của khớp vai bị rách, đứt một phần hay toàn phần. Bệnh lý này thường xuất hiện ở người trong độ tuổi trung niên, vận động viên, người lao động tay chân...
Biểu hiện của chấn thương rách cơ chóp xoay vai thường là: cơn đau mặt ngoài khớp vai lan xuống cánh tay không qua khuỷu tay, khớp vai và cánh tay không hoạt động bình thường, đau nhiều khi mang vác nặng hay nhấc tay qua đầu, dưới mỏm cùng vai phát ra tiếng lạo xạo... Nếu không được điều trị đúng cách, người bệnh có thể bị hạn chế vận động, lỏng khớp, viêm khớp, thoái hóa khớp...
- Trật khớp vai: Tên tiếng Anh của trật khớp vai hay sai khớp vai là dislocated shoulder dùng để diễn tả tình trạng chỏm xương cánh tay bị lệch ra khỏi ổ chảo xương bả vai. Đây là một chấn thương khá phổ biến, chiếm 50-60% tỷ lệ trật khớp và khiến cho người bệnh đau đớn, gặp nhiều khó khăn khi vận động. Bệnh có thể dễ dàng quan sát được bằng mắt thường khi cánh tay biến dạng, xoay ra ngoài từ 30-40 độ.
Thông thường, các chuyên gia chia trật khớp vai thành 3 loại: trật vai ra trước; trật vai xuống dưới ổ chảo; trật vai ra sau. Tình trạng này có thể tái diễn nhiều lần nên khi bị trật khớp người bệnh cần phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để trở thành bệnh mạn tính.
- Đông cứng khớp: Nguyên nhân gây đông cứng khớp (tên tiếng Anh là frozen shoulder) chính là do viêm quanh khớp vai thể đông cứng hay dính bao khớp. Tình trạng này phát sinh do sự xuất hiện của mô sẹo xung quanh khớp, khiến cho bao khớp vai dày, cứng, căng lên gây khó khăn và đau đớn cho việc cử động. Mọi chấn thương ở vai đều có thể dẫn đến hiện tượng vai đông cứng, viêm gân, viêm bao hoạt dịch, hội chứng vòng bít quay...
Ngoài ra, những người có bệnh chuyển hóa, bệnh lý tuyến giáp, bệnh Parkinson, sau phẫu thuật cũng có nhiều cơ bị viêm khớp vai thể đông cứng. Theo thống kê, cứng khớp vai chiếm khoảng 2% tổn thương vai; thường xuất hiện ở độ tuổi trung niên và phần lớn ở nữ giới.
- Bệnh lý cột sống cổ và ngực trên: Một số bệnh lý dây thần kinh liên quan đến cổ và ngực trên như: viêm cột sống dính khớp, gai đốt sống cổ cũng là nguồn gốc của các vấn đề ở vai, cụ thể là đau vai. Với các bệnh lý có liên quan đến cột sống cổ, sau một thời gian đau khu trú ở cổ và các vùng xung quanh, cơn đau sẽ lan ra phía sau khớp vai, dần xuống cánh tay, bàn tay...
- Đau xuất chiếu: Tên gọi tiếng Anh của đau xuất chiếu hay đau liên quan là referred pain. Đây là tình trạng khu trú đau không trùng với khu trú của kích thích tại chỗ. Vì thế, người bị đau vai có thể xuất phát từ nguyên nhân của các bệnh lý ở cơ quan khác như: sỏi mật, đau thắt lưng, đau tim, u phổi...
Cách chẩn đoán và phương pháp điều trị đau vai
Thông thường, khi cơ thể có biểu hiện đau là chúng ta cần phải dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và theo dõi những chuyển biến tiếp theo để đánh giá tình trạng sức khỏe. Nếu bạn đã nghỉ ngơi kết hợp với một số phương pháp thư giãn cơ khớp nhưng tình trạng đau vai vẫn không được cải thiện, thì cần phải nhanh chóng đến các cơ quan y tế để được thăm khám và điều trị.
Một số yếu tố tăng nặng của các cơn đau, khi gặp phải cần đến bác sĩ sớm nhất có thể: tần suất các cơn đau nhiều và có dấu hiệu lan rộng; khớp, vai có biểu hiện biến dạng; cường độ các cơ đau tăng dần, kể cả khi nghỉ ngơi hay ban đêm; sốt, sưng, nóng, đỏ, bầm tím phần xung quanh khớp hoặc cánh tay; xuất hiện các triệu chứng bất thường đi kèm như đau bụng, khó thở, tim đập nhanh...
Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh chia sẻ, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tùy theo tình trạng của người bệnh, các bác sĩ sẽ tiến hành một cuộc kiểm tra tổng thể kết hợp với chẩn đoán bằng hình ảnh để xác định nguyên nhân đau vai như: chụp X-quang, hình ảnh từ X-quang cho phép những thay đổi ở khớp vai do viêm khớp như gai xương hay gãy xương; siêu âm để kiểm tra tình trạng viêm, rách hoặc đứt gân; chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) nếu có nghi ngờ bệnh nhân bị gãy xương hoặc bệnh nhân bị tai nạn
Thông qua thăm khám lâm sàng và kết quả từ có được của quá trình chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm... các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Cụ thể, bệnh nhân được hướng dẫn tự điều trị tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, chườm vai; bài tập nhẹ như căng duỗi cơ vai, ngực, lườn...
Nặng hơn, bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc thuốc kháng viêm không phải steroid (NSAIDS). Tập vật lý trị liệu tại bệnh viện với kỹ thuật viên chuyên nghiệp để đạt hiệu quả tốt và tránh tổn thương nặng thêm. Với trường hợp nặng, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật khớp vai bằng phương pháp mổ hở hoặc mổ nội soi. Hiện tại, phương pháp nội soi được ưu tiên lựa chọn tạo Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh vì có khả năng giảm đau đớn, hiệu quả tốt, dễ chăm sóc và nhanh phục hồi
Với hệ thống máy móc hiện đại nhất có độ phân giải cao, như hệ thống máy chụp MRI, Micro MRI, máy chụp Xquang thế thệ mới nhất, máy chụp CT 768 vòng... Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có thể chẩn đoán sớm, chính xác bệnh lý cột sống, tăng cơ hội điều trị. Công nghệ hiện đại đã giúp cho các bác sĩ xử trí rất nhiều các tình huống phức tạp trong điều trị, bệnh nhân giảm đau, nhanh chóng phục hồi, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các biện pháp phòng ngừa đau vai
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào có thể ngăn ngừa bệnh lý đau xương vai. Vì thế, điều quan trọng nhất là mọi người cần phải xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, khoa học cùng với việc tầm soát các vấn đề về xương khớp càng sớm càng tốt.
Các chuyên gia cơ xương khớp Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Tâm Anh khuyến cáo cộng đồng chủ động bảo vệ và tăng cường sức khỏe cho cơ xương khớp, góp phần ngăn ngừa nguy cơ đau vai bằng cách tập luyện và vận động vừa sức, phù hợp với thể trạng để tăng cường sự linh hoạt, dẻo dai của cơ, xương, khớp; hạn chế tập luyện thể thao với cường độ cao (trừ khi vận động viên có chế độ tập luyện riêng) để tránh căng thẳng, mệt mỏi quá độ; thiết lập chế độ dinh dưỡng phù hợp, tăng cường chất đạm, canxi, vitamin D để giúp cơ, xương, khớp và dây chằng dẻo dai, khỏe mạnh.
Đau vai là một bệnh lý rất thường gặp trong cuộc sống, không phân biệt độ tuổi hay giới tính. Vì thế, mỗi người chúng ta cần phải xây dựng cho mình lối sống khoa học, nghỉ ngơi và làm việc hợp lý để vừa đảm bảo sức khỏe tổng thể, vừa ngăn ngừa các bệnh lý của cơ, xương, khớp một cách hiệu quả.
Thảo Trang (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)