Thoái hóa đốt sống cổ là gì?
Theo Thầy thuốc ưu tú, Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Hồng Hoa - Trưởng khoa Nội - Cơ xương khớp Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Hà Nội, thoái hóa đốt sống cổ là tình trạng đĩa đệm, đốt sống bị suy thoái do bị bào mòn lớp sụn và xương dưới sụn. Bệnh lý này tương đối phổ biến, nhất là ở những người trên 60 tuổi, chiếm tỷ lệ lên đến 85%. Đáng lưu ý, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể biến chứng mạn tính, gây nên tình trạng cứng khớp, suy giảm chức năng vận động của người bệnh.
Đốt sống cổ (hay còn gọi là cột sống cổ) là phần xương kết nối giữa đầu và thân, chứa nhiều mạch máu và dây thần kinh quan trọng. Nếu quan sát từ bên ngoài vào thì chiều dài của đốt sống cổ khá khiêm tốn, tuy nhiên trên thực tế phần đốt sống này được cấu tạo bởi 7 đốt sống, được đặt tên lần lượt từ C1 đến C7 theo thứ tự từ trên xương sọ xuống. Trong đó, hai đốt sống C1 và C2 có vị trí gần như cố định, giữ vai trò điều khiến chức năng vận động của cổ. Từ vị trí thứ 3 trở đi, các đốt sống cổ được ghép lại với nhau tạo thành phần cột sống cổ dưới, ngăn cách bởi nhiều đĩa đệm. Thông thường, phần đốt sống cổ từ C3 đến C7 sẽ chịu nhiều tác động từ bên ngoài, do đó bị tổn thương và có nguy cơ thoái hóa cao nhất.
Ngoài vai trò kết nối, điều khiển hoạt động giữa phần đầu và phần thân người, các đốt sống cổ còn giữ nhiều vai trò quan trọng khác như tạo lớp vỏ bọc bảo vệ tủy sống (lớp vỏ bọc kiên cố, che chắn cho vùng tủy sống - một bó dây thần kinh chạy dài từ não đến cột sống, truyền tín hiệu từ cơ quan thần kinh đi khắp cơ thể) và tạo đường dẫn để máu lưu thông lên não, nhờ đó não được nuôi dưỡng, thực hiện nhiều chức năng khác như xử lý thông tin cảm giác, điều hòa huyết áp nhịp thở, giải phóng các nội tiết cho cơ thể...
Chính cấu tạo phức tạp và vai trò quan trọng đó giúp cột sống cổ mặc dù chiếm một số lượng rất nhỏ trong cơ thể, nhưng lại được xem là "vùng phức tạp", cần được chú trọng bảo vệ.
Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa cột sống cổ
Nhiều người cho rằng, tình trạng đĩa đệm, đốt sống bị suy thoái chính là hệ quả của quá trình lão hóa khiến các bộ phận trên cơ thể dần "xuống cấp". Tuy nhiên, bác sĩ Đặng Hồng Hoa chia sẻ thêm nhiều nguyên nhân khác khiến đốt sống cổ bị thoái hóa, gồm tính chất công việc phải thường xuyên cố định ở một tư thế, hoặc ngồi một chỗ quá lâu như nhân viên văn phòng, người lái ôtô, thợ cắt tóc, thợ hồ, nông dân, lao động phổ thông... Hoặc ít vận động do tuổi đã cao hoặc mắc các bệnh lý không đi đứng được; hoạt động sai tư thế như ngủ nghiêng một bên, ngủ gối quá cao, cúi người sâu khi mang vác đồ nặng...
Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn khiến quá trình tái tạo sụn, xương suy giảm; chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Cùng với đó là thói quen sinh hoạt không lành mạnh như thường xuyên thuốc lá, rượu bia... hoặc những dị tật cột sống bẩm sinh...
Triệu chứng, ảnh hưởng của thoái hóa đốt sống cổ
Khi bị thoái hóa cột sống cổ, triệu chứng đầu tiên và dễ thấy nhất là các cơn đau nhức. Người bệnh gặp các đơn đau và nhức mỏi ở khu trú xung quanh cổ và gáy, sau đó lan dần xuống hai vai, dọc cánh tay, bàn tay và các ngón tay. Khi bị tác động bởi các hoạt động như ho, hắt hơi, ngửa cổ, nghiêng đầu... các cơn đau nhức sẽ gia tăng.
Một triệu chứng khác người bệnh có thể gặp phải là yếu cơ. Người bệnh khó khăn trong việc nâng cánh tay hay các hoạt động đơn giản như cầm, nắm, giữ các đồ vật..., ảnh hưởng hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Một số trường hợp người bệnh sẽ bị tê, ngứa ở khu vực cổ, vai, gáy, cánh tay và bàn tay. Người bệnh sẽ cảm giác như có luồng điện chạy từ cổ qua cột sống xuống hai chân, tỏa sáng hai cánh tay. Khi bệnh trở nặng, người bệnh có thể mất cảm giác ở tay.
Đốt sống cổ có liên hệ mật thiết đến não bộ - cơ quan thần kinh trung ương quan trọng nhất của con người. Do đó, khi bị thoái hóa cột sống cổ, người bệnh có nguy cơ đối diện các biến chứng nguy hiểm, gồm:
- Thiếu máu lên não: Khi mạch máu bị chèn ép do gai xương hoặc thoát vị đĩa đệm, lượng máu lưu thông lên não sẽ kém đi, thậm chí là giảm sút. Lúc này, người bệnh dễ có những biểu hiện như chóng mặt, đau đầu, buồn nôn...
- Yếu và tê ở các vị trí từ cổ trở xuống: Đây chính là biến chứng nguy hiểm nhất. Khi gai xương và ống xương sống bị thu hẹp, tủy sống sẽ bị chèn ép. Người bệnh dễ gặp tình trạng yếu và tê ở các vị trí ở dưới cổ. Khi người bệnh cuối người về trước sẽ đau dữ dội hơn.
- Bại liệt và rối loạn tiểu tiện: Thoái hóa đốt sống cổ làm dây thần kinh bị dồn nén, dẫn đến tình trạng mất cảm giác ở khớp vai và lan dần xuống hai cánh tay, bàn tay, khó có thể phối hợp với phần thân dưới. Tình trạng thoái hóa ở mức độ nặng sẽ làm tăng nguy cơ liệt một hoặc cả hai tay, chân và rối loạn tiểu tiện.
Phương pháp điều trị thoái hóa đốt sống cổ
Phó giáo sư Đặng Hồng Hoa cho biết, việc xây dựng phác đồ điều trị thoái hóa cột sống cổ dựa trên cơ sở các giai đoạn và ảnh hưởng của bệnh lý, hướng đến mục tiêu phục hồi tổn thương, bảo tồn, tái tạo xương khớp tốt nhất có thể.
Một phác đồ điều trị có thể phối hợp giữa các phương pháp sau:
- Điều trị nội khoa:
Thuốc chính là chỉ định đầu tiên trong phác đồ điều trị các vấn đề liên quan đến đốt sống cổ. Dựa vào triệu chứng và tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ kê toa thuốc giảm đau, kháng viêm... để giảm thiểu các triệu chứng.
Sau đó, bệnh nhân được bổ sung dưỡng chất chuyên biệt. Một số dưỡng chất có vai trò đặc biệt đối với xương khớp, điển hình là peptan. Dưỡng chất này đến từ thiên nhiên, có khả năng tác động đồng thời lên sụn và xương dưới sụn, do đó đây chính là nguồn dinh dưỡng lý tưởng cho người bệnh đang gặp vấn đề về cơ xương khớp, đặc biệt là thoái hóa. Peptan sẽ giúp quá trình tái tạo sụn và xương dưới sụn có các nguyên liệu cần thiết để ổn định cấu trúc, giúp khớp hoạt động trơn tru hơn. Thêm vào đó, peptan còn kích thích tổng hợp collagen và aggrecan, tăng cường độ chắc khỏe của xương khớp, giảm thiểu các triệu chứng thoái hóa và kiểm soát biến chứng tối ưu.
- Điều trị ngoại khoa
Những trường hợp thoái hóa đốt sống cổ nặng, có biến chứng gai xương hoặc thoát vị đĩa đệm cần được can thiệp bằng phẫu thuật để loại bỏ mô xương và điều chỉnh đĩa đệm. Đồng thời, giải phóng các dây thần kinh, ngăn ngừa nguy cơ liệt chi và rối loạn cảm giác ở người bệnh.
Sau tổn thương, việc vận động của người bệnh có thể trở nên kém linh hoạt. Do đó, người bệnh được chỉ định tập vật lý trị liệu để tăng cường sức khỏe cơ, duy trì khả năng cử động khớp, đảm bảo độ linh hoạt dây chằng...
Trung tâm Phẫu thuật khớp và Y học thể thao, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh xây dựng Đơn vị Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng, sử dụng hệ thống máy móc, trang thiết bị tối tân; hệ thống bài tập phong phú, được thiết kế và bố trí phù hợp "cá thể hóa" từng bệnh nhân; người bệnh được trực tiếp hướng dẫn bởi các chuyên gia đầu ngành để thu được kết quả tốt nhất, tránh thực hiện sai tư thế, giảm áp lực lên cột sống cổ, sớm hồi phục sau điều trị.
Phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ
Phòng bệnh bao giờ cũng đơn giản, hiệu quả và lợi ích về mặt kinh tế hơn chữa bệnh. Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Đặng Hồng Hoa khuyến cáo mọi người ghi nhớ "tiêu chí vàng" trong phòng ngừa bệnh, gồm: xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đầy đủ các thực phẩm giàu vitamin C, D, E, K, chất béo không bão hòa Omega-3, Bio Flavonoid, phức hợp Curcumin - Phosphatidylcholine... Thường xuyên vận động để các cơ được dẻo dai, linh hoạt, ngăn ngừa nguy cơ thoái hóa, đồng thời tuân thủ đúng các tư thế trong vận động và lao động để không tạo áp lực lên cột sống. Từ bỏ các thói quen không lành mạnh, đặc biệt là không hút thuốc lá bởi sẽ làm gia tăng tốc độ hủy hoại sụn khớp.
Bác sĩ Hồng Hoa nói thêm, thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý cơ xương khớp mạn tính đe dọa sức khỏe mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề. Do đó, khuyến cáo mỗi người cần trang bị kiến thức về cách phòng ngừa bệnh, cũng như hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả ngay khi có những dấu hiệu bất thường.
Thảo Trang
Để đặt lịch khám với Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Hồng Hoa, khách hàng có thể điền thông tin tại đây, hoặc liên hệ:
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
- Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội
Hotline: 1800 6858
- TP HCM:
2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM
Hotline: 0287 102 6789