Tên tác phẩm: Biển của mỗi người
Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư
Nhà xuất bản Kim Đồng, 2015
Cuốn tản văn của Nguyễn Ngọc Tư được NXB Văn hóa Sài Gòn phát hành lần đầu vào năm 2008 và được rất nhiều bạn đọc yêu thích. Đến nay, sách vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.
21 bài viết trong cuốn sách là những cung bậc của nỗi buồn: có day dứt, có tiếc nuối, có thương cảm, có hờn giận… Những xúc cảm đó ẩn chứa trong những câu chuyện nhỏ được tác giả thu lượm mỗi ngày rồi chắt lọc đưa vào trang viết. Dường như nỗi buồn đã gắn liền với với văn phong Nguyễn Ngọc Tư suốt chặng đường gần hai mươi năm. Nhưng với sự sáng tạo của một cây bút giàu kinh nghiệm, nhà văn đất Mũi luôn biết cách để những nỗi buồn trên trang viết không trở thành cũ kỹ. Biển của mỗi người minh chứng cho điều đó.
Dời bến là câu chuyện về cô giúp việc từ dưới quê lên phố. Sau một thời gian sống ở chốn thị thành hiện đại, tấm lòng cô dần trở nên xa cách với những giản dị mộc mạc quê nhà. Không chỉ thể xác cô gái nghèo đã “dời bến” đi xa, người ta thấy buồn hơn khi tâm hồn cô cũng không ở lại. Nhà văn viết: “Chuyện bình thường thôi, cô đã được tiện nghi thành phố nuông chiều, nhận ra một chuẩn mực mới. Một trò chơi nhỏ của thời gian, nhưng mà chơi ác”.
Là một người đã đi nhiều nơi, ưa thích khám phá và mang một trái tim đa cảm, sau mỗi cuộc hành trình Nguyễn Ngọc Tư giữ lại cho mình những nỗi niềm riêng để đem vào trang viết. Sỏi đá buồn tênh là tâm sự của tác giả sau chuyến đi tới đảo Jeju, Hàn Quốc. Nguyễn Ngọc Tư không nhớ tới biển xanh, nắng vàng ở hòn đảo du lịch nổi tiếng, nhắc tới Jeju, cô chỉ nhớ tới đá. Những hòn đá đủ kích cỡ, đủ hình dạng kể cho nhà văn nghe câu chuyện về vụ thảm sát kinh hoàng đã diễn ra vào năm 1948. Thời gian trôi qua, nhiều nhà văn, họa sĩ tới đây dùng tác phẩm của mình để lưu giữ lại ký ức buồn của đảo. Câu chuyện ấy khiến Nguyễn Ngọc Tư nhận ra một điều: “Tôi nghĩ nghề viết và người viết cũng đơn giản như vậy, chữa lành, an ủi những vết thương của người đời để làm dịu vết thương của chính mình".
Không chỉ có những nỗi buồn khiến người ta day dứt, xót xa. “Chị Tư Cà Mau” còn mang đến cho người đọc những nỗi buồn rất đời thường, nhưng khiến ta phải suy ngẫm. Đó là nỗi lòng của người mẹ trẻ cảm thấy “nghi ngờ phương pháp ở cữ của mấy bà già nhà quê” trong Thế giới của hai người. Cô chán cái việc phải ở lì trong phòng không được tắm gội, chán cả việc phải ăn đi ăn lại những món chán ngắt. Chuỗi ngày dài của người mẹ trẻ trôi đi bằng việc ngủ và nói chuyện với đứa con bé xíu chưa hiểu được những gì mình đang nói. Để cô bỗng nhận ra rằng khoảng thời gian tưởng như chán ngắt đó đã tạo ra “Thế giới của hai người”. Thế giới ấy chỉ có cô và đứa con thơ, không có những bộn bề lo toan, không có những thú vui thường nhật. Người mẹ dành một khoảng thời gian chỉ để làm duy nhất một việc là ở bên con trong lúc đứa con yếu đuối và cần che chở nhất. Có như vậy người mẹ mới cảm nhận được trọn vẹn giá trị của tình mẫu tử.
Khi đọc Biển của mỗi người, độc giả yêu văn chương Nguyễn Ngọc Tư sẽ có một cảm nhận khác so với các tác phẩm trước đó. Không chỉ là nuối tiếc và xót xa, hoài niệm và day dứt, lần này tác giả dùng một cái nhìn hóm hỉnh để cảm nhận nỗi buồn. Sâu trong những câu từ hóm hỉnh ấy là hạt mầm hy vọng mà tác giả muốn gieo vào lòng người đọc, để họ tin cuộc đời vẫn còn đẹp lắm.
Quỳnh Anh