- Vì sao chị quay lại với thể loại tản văn sau ba năm?
- Vì chúng đã đủ... in sách. Trong ba năm qua tôi viết truyện ngắn, thơ, nhưng vẫn viết tản văn, nhất là khi cần săn nhuận bút để đi chơi đâu đó, mua món gì đó.
- Cuốn sách vừa ra mắt - "Đong tấm lòng" - là một trong những đầu sách bán chạy hiện nay, cảm giác của chị ra sao?
- Việc sách bán chạy hay không bán chạy không có tác động nào đến tôi ngoài chuyện tôi kiếm được một khoản nhuận bút khá hơn, khi sách được nhiều độc giả mua về. Nhưng những nhà văn nhà thơ lớn từng được Nobel, thường thì sách của họ ế sưng ế sỉa, cho đến khi người ta trao giải cho họ.
Khi ra được một cuốn sách, tôi nghĩ tới những bạn đọc kiên trì yêu mến mình, và việc mình đã lao động thế nào để được yêu mến. Một cuốn sách được mua, tôi nghĩ vì tình yêu hơn là sự tò mò. Tôi không còn là một cái tên quá mới để khơi gợi tò mò.
- Theo thời gian, trang viết của chị thay đổi ít nhiều, nhưng một điều không thay đổi là chị thường dành sự thương cảm cho những thân phận phụ nữ trắc trở, lầm lỡ trong tình yêu, cuộc sống. Vì sao thế?
- Tôi không hiểu sao rõ ràng mình đã cố ý chì chiết, nhất là những người phụ nữ thụ động và cam chịu, mụ mị vì yêu, nhưng trong chữ lại thành ra thương cảm. Có một điều chắc chắn, tôi rất cố gắng không đứng về họ, cổ xúy cho thái độ sống đó, mà chỉ diễn tả đúng những phận người.
- Vì sao miền Tây nói chung hiện ra trong văn của chị luôn mang dáng dấp của nỗi buồn và thân phận bấp bênh, của mất mát và những giá trị tinh thần đang mai một?
- Vì tôi chọn góc nhìn đó. Với mỗi người khi tiếp xúc với miền Tây, họ có cách nhìn khác, lạc quan và vui vẻ hơn. Họ không sai, nhưng tôi cũng vậy. Với một người viết, nhìn hàng rào nghĩ tới rất nhiều thứ sau rào, nhìn xuyên qua những bức vách. Nhưng có nhiều người khác chỉ cần biết đó là hàng rào có bông giấy đỏ, và họ hài lòng.
- Sống trong bầu không khí đồng quê, chị thấy mình hiểu được con người và cuộc sống đồng quê đến mức độ nào để cảm nhận giá trị tinh thần, vật chất nơi này đang biến dạng theo thời gian?
- À, cảm giác sợ hãi "chất quê" bị vuột mất khỏi đời sống làng quê không hẳn là cảm giác thường trực trong tôi. Mối quan tâm lớn nhất của tôi không phải chỉ duy nhất là cái đời sống làng quê đang nhiều biến động đó. Trong lúc nghĩ mình sẽ viết gì thì có chuyện này chuyện nọ xô nhau đến trước mắt mình.
Về miền Tây, tôi còn quan tâm đến mối quan hệ giữa người với người, những rạn nứt trong tâm hồn, những tổn thương không thấy được bằng mắt thường. Đó là những thứ tôi đang quan tâm. Và chúng không chỉ là của miền Tây, về miền Tây.
- Khi nào chị sẽ viết một cuốn sách với bối cảnh không gian, con người của đô thị - vốn là một niềm cảm hứng thấp thoáng qua các trang viết của chị?
- Tôi không muốn nhốt mình ở một không gian nào, không hạn chế mình ở đề tài. Bao giờ một cuốn sách như thế đến thì chúng sẽ đến. Nhưng tôi không hứa hẹn gì, cho một thứ mà tôi không chắc chắn.
- Để có những trang viết về những vùng đất khác, nỗi trăn trở khác chốn quê mình, chị phải đi nhiều như thế nào?
- Đi với tôi là... đi. Không cần chốn đến phải có cảnh đẹp, người hay, thức ăn ngon. Cũng không cần đi để khoe khoang. Tôi đi vì nhu cầu xê dịch cho đỡ nhàm chán, được một mình ở nơi xa lạ, tùy nghi với cuộc sống ở đó. Mùa đông đi biển cũng không sao, nó vẫn có vẻ đẹp riêng, sự thi vị khác thường mà mùa hè không có được.
Những khi tắt nguồn cảm hứng viết lách, sáng tác, tôi thường đi chơi, coi phim và đọc. Những cuốn sách hay gây cảm hứng cho tôi, với ý nghĩ: "Ơ, sao mình không thể viết được vậy, ta? Mình có thể mà, thử coi". Tôi nghĩ chỉ khi mình không còn tha thiết "thử coi" thì mới kiệt quệ cảm hứng.
- Viết truyện ngắn, truyện dài, tùy bút, tản văn, chị còn làm thơ, vẽ minh họa cho sách mới của mình. Vì sao chị muốn thể hiện mình trong những góc mới?
- Chơi thôi mà. Tôi biết ở mình thứ gì rực rỡ nhất. Nhưng như người bạn tôi nói, con người ta có nhiều khả năng, chỉ là lười không thử tìm ra.
- Nếu nhận được lời khen Nguyễn Ngọc Tư viết ngày càng chắc tay hoặc ngược lại, nếu bị chê là khá cũ trên trang viết, chị phản ứng ra sao?
- Tôi sẽ cười. Và viết tiếp bằng tất cả những gì mình có thể. Vào cái tuổi đời và tuổi nghề này, tôi ghi nhận những khen chê nhưng sẽ không bay lên hay chùn bước, nghiêng ngửa bởi dư luận.
Thoại Hà thực hiện