Cuốn sách được làm mới từ tuyển tập ra mắt năm 2007. Nguyễn Huy Thiệp dự định viết lời đề từ mới, thế nhưng ông chưa kịp thực hiện thì đổ bệnh. Bù lại, ông đưa vào sách bài viết Nói chuyện một mình, viết dưới dạng hỏi đáp, thể hiện sự trăn trở, suy tư với nghề. Các truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp lựa chọn đại diện cho phong cách sáng tác của ông, tiêu biểu như Những ngọn gió Hua Tát, Quan âm chỉ lộ...
Ở phiên bản đặc biệt, đơn vị phát hành in thêm một số minh họa mới, do các họa sĩ Lê Thiết Cương, Thành Chương, Phan Cẩm Thượng, Đỗ Dũng, Lê Trí Dũng, Đào Hải Phong, Đinh Quân, Hoàng Phượng Vỹ, Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu, Võ Tá Hùng, Nguyễn Hồng Hưng, Đỗ Phấn, Quách Đông Phương, Lê Thị Minh Tâm, Trịnh Tú, Lý Trần Quỳnh Giang, Lena Sjoberg thực hiện. Lê Thiết Cương - họa sĩ tổ chức minh họa - nói họ vẽ tranh với tâm thế "vẽ văn chương của bạn, dồn tình cảm vào tranh" chứ không phải minh họa theo lối thông thường.
Nhiều năm nay, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gác bút. Tác phẩm cuối cùng của ông là vở chèo cổ Vong bướm, sáng tác năm 2012. Năm 2018, ông ra mắt tiểu thuyết Tuổi 20 yêu dấu, lấy cảm hứng từ con trai, hoàn thành từ năm 2003. Tuổi già, ông mắc nhiều bệnh như thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa. Đầu năm nay, ông bị tai biến, đang trị liệu.
Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950, là một trong những cây bút nổi bật nhất của nền văn học đương đại Việt Nam. Ông viết truyện ngắn, kịch, tiểu luận, trong đó thành công nhất là truyện ngắn. Với hơn 50 truyện ngắn, 10 vở kịch, bốn tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý, Nguyễn Huy Thiệp được xem là "hiện tượng hiếm" của văn đàn Việt Nam. Ông từng nhận huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008).
Hà Thu