Bạn bè trong giới văn chương, hội họa của Nguyễn Huy Thiệp hội tụ dịp ra mắt di cảo Anh hùng còn chi, tối 22/11. Tên sách vốn được lấy từ đoạn thơ trong truyện Chảy đi sông ơi của nhà văn: "Rồi sông đãi hết/ Anh hùng còn chi".
Hơn hai năm từ khi Nguyễn Huy Thiệp qua đời, với gia đình và bạn văn, cái "còn" là rất nhiều kỷ niệm, được họ ôn lại trong sự kiện. Họa sĩ Lê Thiết Cương - bạn vong niên của nhà văn, người vẽ bìa sách Anh hùng còn chi - nhớ Giáng sinh năm 2018, Nguyễn Huy Thiệp tới nhà và mang theo một tờ giấy gấp làm bốn, là những trang viết tay tiểu luận Nói chuyện một mình. Ông nhờ thư ký của anh đánh máy, sau đó nói vui nhờ họa sĩ liên hệ đăng báo để ông có tiền mừng tuổi cháu gái (Nhím). Đó cũng là tiểu luận cuối cùng của nhà văn, trước khi ông bệnh nặng.
Lê Thiết Cương cũng cho biết vở kịch Nhà Ôsin của Nguyễn Huy Thiệp được lấy chi tiết từ nhà anh, bởi khi ấy gia đình họa sĩ có đến tám người giúp việc. Hóm hỉnh, cởi mở nhưng đôi khi Lê Thiết Cương có chút nghẹn lời, gương mặt phảng phất nét buồn. Họa sĩ cũng như những người gắn bó lâu năm với nhà văn chưa thể nguôi ngoai cảm xúc khi nhớ về ông.
Nhà thơ Bảo Sinh gần gũi với Nguyễn Huy Thiệp gần 40 năm, từng cùng ông đi khắp nước, thường trò chuyện với ông vài tiếng mỗi ngày. Nhớ lại thời gian Nguyễn Huy Thiệp nằm viện, khi con trai ông - Nguyễn Phan Bách - hỏi có nhận ra ai đến thăm, nhà văn lập tức đọc lên những câu thơ của người bạn thân thiết. Ở những buổi sau, mỗi khi Bảo Sinh đến, ông tiếp tục đọc những dòng viết của bạn: "Khi mê bùn chỉ là bùn/ Ngộ ra mới biết trong bùn có sen/ Khi mê tiền chỉ là tiền/ Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm...". Đến lần thăm cuối, Nguyễn Huy Thiệp mới không đọc thơ nữa.
Họa sĩ Đào Hải Phong không thể quên những truyện ngắn của nhà văn, thậm chí bị "ám ảnh". Từ nhỏ, anh luôn chờ mỗi tuần để được bố mua cho tờ báo Văn nghệ có in truyện Nguyễn Huy Thiệp. Khi trưởng thành, họa sĩ may mắn có dịp gặp gỡ, từng vẽ minh họa cho một số tác phẩm của ông, sau này được ông coi như một người bạn.
Ngoài kỷ niệm, Nguyễn Huy Thiệp để lại cho bạn văn, bạn đọc sự nghiệp văn chương của ông, bao gồm các tác phẩm trong di cảo do Tiến sĩ Mai Anh Tuấn tổng hợp, biên soạn. Sách gồm ba phần: Phần một là những bài thơ ông viết năm cuối đời hay chưa từng công bố trong sự nghiệp.
Nổi tiếng với truyện ngắn nhưng ông sớm làm thơ và hoàn thành tập Những vần thơ chua xót năm 27 tuổi, mang suy tư của một giáo viên tỉnh lẻ, bày tỏ quan điểm thẳng thắn về hiện thực lúc bấy giờ. Không xuất bản nhưng những câu thơ sau này vẫn hiện diện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, giúp người đọc hiểu thêm về phong cách sáng tác của ông.
Một năm trước khi đi xa, Nguyễn Huy Thiệp duy trì viết thơ, gửi gắm tình thương vợ con, góc nhìn con người khi đối diện bệnh tật. Dù sáng tác trong cơn đau ốm, ông vẫn tràn đầy tình yêu với con chữ: "Viết không ra viết/ Nhưng vẫn vẽ viết/ Cho yêu một đời/ Nói chỉ nói vậy thôi/ Lòng buồn không tả nổi".
Phần một còn có truyện ngắn, tiểu luận, tạp văn, kịch bản phim truyện. Trong đó, sách giới thiệu hai kịch bản phim do ông sáng tác là Tướng về hưu, Không còn vua.
Phần hai là những ký họa của ông trên gốm, gồm ký họa chân dung văn nhân, bạn hữu thân sơ, các con, cháu và những cá tính văn chương lớn như Victor Hugo, Balzac, Hemingway, Puskin, Bùi Giáng, Tô Hoài. Ở mặt sau, ông ghi đề tặng hoặc viết những câu châm ngôn, trích đoạn tác phẩm muốn gửi gắm. Cuối cùng là hình ảnh qua các dấu mốc cuộc đời của nhà văn, ảnh chụp bản thảo và bài đăng trên báo được bạn bè, gia đình lưu giữ.
Cầm trên tay cuốn di cảo, lắng nghe những câu chuyện về nhà văn lúc sinh thời, họa sĩ Nguyễn Phan Bách - con trai cả của Nguyễn Huy Thiệp không ngăn được niềm xúc động. Ngồi ở hàng ghế khán giả, Phan Bách chăm chú theo dõi, thi thoảng anh nhắc khách mời tên truyện ngắn, bài thơ của bố.
Họa sĩ cho biết khi bố còn sống, anh cùng em trai Phan Khoa vẫn ngồi trò chuyện với ông về văn học, nhưng không thể hiểu tường tận những lời bố dặn dò đến khi ông qua đời.
Theo nhà phê bình Ngô Thảo, những tác phẩm được chọn giới thiệu trong di cảo thể hiện tình yêu, sự kính trọng của gia đình, bạn bè dành cho Nguyễn Huy Thiệp. Ông Ngô Thảo khẳng định với giá trị để lại, Nguyễn Huy Thiệp mãi là một trong những nhà văn tiêu biểu của thế hệ mới.
Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950 tại Thái Nguyên, quê gốc ở Hà Nội, tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông xuất hiện trên văn đàn Việt Nam từ năm 1986, với một số truyện ngắn đăng trên báo Văn nghệ đề tài nông thôn. Bên cạnh đó, nhà văn còn viết 10 vở kịch, bốn tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý, được xem là "hiện tượng hiếm" của văn đàn trong nước.
Ông từng nhận huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008). Một số tác phẩm nổi bật của Nguyễn Huy Thiệp gồm truyện ngắn Tướng về hưu, chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên năm 1988, Những ngọn gió Hua Tát (tập truyện ngắn và kịch, 1989), Tiểu Long Nữ (tiểu thuyết, 1996), Tuổi 20 yêu dấu (tiểu thuyết, xuất bản ở Pháp năm 2002). Ông qua đời ngày 20/3/2021 tại nhà riêng, thọ 71 tuổi.
Phương Linh