Ý kiến được bà Kim Tiến, Trưởng ban chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nêu tại hội thảo quốc gia thường niên về sức khỏe và tuổi thọ ngày 7/4.
Theo bà Tiến, nhiều người vẫn nghĩ di truyền là yếu tố ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Thực tế, di truyền chỉ chiếm khoảng 20%. Yếu tố xã hội môi trường chi phối 20% còn lại, theo thống kê của các viện nghiên cứu trên thế giới. Hành vi cá nhân là quan trọng nhất, chiếm 40%.
"Hành vi cá nhân chiếm tỷ lệ lớn, cần quan tâm nhiều đến yếu tố này để có cải thiện phù hợp", bà Tiến nói. Bà Tiến khuyến cáo người khỏe mạnh cần chú trọng dinh dưỡng, chế độ ăn, bổ sung vi chất, môi trường sống, chủng ngừa... để phòng bệnh. Lắng nghe cơ thể, đi khám sớm để phát hiện bệnh sớm. Khi có bệnh cần điều trị kịp thời, phục hồi chức năng sớm.
"Việc phát hiện sớm có ý nghĩa rất quan trọng trong điều trị, giảm tỷ lệ tử vong, nâng cao chất lượng sống", bà Tiến nói. Hiện, các bệnh mạn tính không lây nhiễm là kẻ giết người nhiều nhất hiện nay, với hơn 70% nguyên nhân tử vong đến từ các bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường. Bệnh tăng nhiều từ tuổi 40 do lão hóa, môi trường, dinh dưỡng không hợp lý, tiêu thụ nhiều thuốc lá, bia rượu, ít vận động, stress...
Theo bà Tiến, sức khỏe là một phạm trù rộng lớn và chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau. Việc chăm sóc sức khỏe không chỉ nâng cao thể chất mà cần quản lý tốt cả tinh thần, cảm xúc, trí tuệ, tâm hồn, hay nghề nghiệp, môi trường xung quanh.
Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng nâng cao, đạt 73,6 tuổi, theo thống kê của Tổng cục Dân số. Người cao tuổi (từ 60 tuổi) hiện chiếm gần 12% dân số nước ta, dự báo đến giữa thế kỷ 21 chiếm 23,5%.
Tỷ lệ người Việt Nam trên 40 tuổi mắc bệnh cao hơn mức trung bình thế giới. Phụ nữ Việt tuổi thọ trung bình 77,1 song có 11 năm sống với bệnh tật. Nam giới Việt tuổi thọ trung bình 74,4 thì có 8 năm mắc bệnh. Trung bình mỗi người cao tuổi mắc khoảng 3-6 bệnh nền, hầu hết là bệnh mạn tính như rối loạn chuyển hóa, xương khớp, tim mạch, thần kinh, hô hấp, tiêu hóa, các vấn đề thính giác, thị giác...
Phó giáo sư Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu to lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức với hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí, nhất là chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, cho biết theo thời gian, các hệ cơ quan trong cơ thể đều lão hóa và trải qua những thay đổi nhất định. Những thay đổi này gây ra bởi nhiều yếu tố bao gồm sự tiếp xúc với các tác động từ môi trường, bệnh tật, di truyền, stress...
Theo bác sĩ An, những biến đổi này thường dẫn đến nguy cơ tiến triển các bệnh lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tuổi thọ. Điều quan trọng là cần phân biệt những thay đổi sinh lý với các biến đổi bệnh lý để tránh bỏ sót các bệnh lý, dẫn đến hậu quả bệnh tật trầm trọng.
Các bác sĩ khuyến cáo, ngoài chế độ dinh dưỡng cân đối, lành mạnh, mỗi người cần chú ý vận động thể lực hàng ngày, vui sống, giữ tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi hợp lý, tầm soát sức khỏe định kỳ, phát hiện và điều trị bệnh sớm. Cần ăn đủ, cân đối các nhóm thực phẩm đạm, bột đường, chất béo, rau, trái cây, sữa. Hạn chế chất béo bão hòa; các thực phẩm chứa nhiều "calo rỗng" như rượu bia, đồ uống có cồn, kẹo bánh ngọt...