Khoảng 36 giờ sau, bé than mệt, co giật toàn thân (bệnh nhi có tiền căn động kinh lúc 5 tuổi) nên gia đình đưa vào bệnh viện địa phương. CT não ngực bụng phát hiện tổn thương phức tạp nội tạng gan, lách, phổi, nên bé được sơ cứu rồi chuyển đến TP HCM.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố) cho biết bệnh nhi vào viện khi đã lơ mơ, thở yếu, mạch nhẹ, huyết áp không đo được, bụng chướng, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt. Xét nghiệm dung tích hồng cầu Hct chỉ còn 12% (bình thường ở lứa tuổi này khoảng 37-42%), chứng tỏ mất máu nhiều.
Các bác sĩ kích hoạt quy trình báo động đỏ, đặt nội khí quản giúp thở, thiết lập hai đường truyền tĩnh mạch, truyền dịch, truyền máu chống sốc, CT não ngực bụng khẩn rồi chuyển thẳng đến phòng mổ. Ê kíp vừa hồi sức sốc mất máu vừa mổ bụng thám sát, ghi nhận bé tổn thương dập gan, vỡ lách, chảy máu nhiều, ổ bụng ngập máu. Sau khi khâu cầm máu, kíp mổ thám sát thấy thêm tổn thương dập tụy.
Sau mổ, bé được chuyển khoa hồi sức ngoại điều trị. Các bác sĩ phải bù khá nhiều máu và chế phẩm máu, kết hợp dịch truyền, thuốc vận mạch chống sốc, điều chỉnh nước điện giải, toan kiềm, an thần giảm đau...
Hiện, trẻ cải thiện dần, được cai máy thở, thở khí trời, tỉnh táo. Bệnh nhi được chuyển khoa tiêu hóa tiếp tục điều trị viêm tụy cấp sau chấn thương và phối hợp bác sĩ nội thần kinh điều trị động kinh.
"Đây là trường hợp chấn thương gây xuất huyết nội muộn, người nhà và cả nhân viên y tế cần hết sức lưu ý vì dễ bỏ sót, dẫn đến xử trí chậm trễ", bác sĩ Tiến phân tích.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh khi cho trẻ điều khiển phương tiện xe gắn máy phải có bằng lái xe, đội mũ bảo hiểm và tuân thủ luật giao thông. Trường hợp này, trẻ đi chung xe gắn máy do một người chị 17 tuổi chở, va với chiếc xe đi ngược chiều. Khi chẳng may có tai nạn giao thông xảy ra, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được các bác sĩ thăm khám, làm xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, tìm các thương tổn, điều trị kịp thời.
Lê Phương