Cuộc giao tranh giữa Kiev và lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine, về mặt lý thuyết, đã tạm dừng theo một thỏa thuận ngừng bắn mong manh, có nguy cơ bị phá vỡ bởi một số trận pháo kích lẻ tẻ.
Tuy nhiên, cuộc xung đột đã đẩy thị trấn trong khu vực lâm vào tình cảnh ngày càng khốn khó. Tại Gorlivka, nước, khí đốt và điện đã bị cắt. Người dân thiếu thốn thực phẩm, thuốc men và tiền mặt. Cửa hiệu hết hàng hóa, giá cả tăng vọt, lương hưu và tiền lương không được thanh toán, các ngân hàng từ lâu đã không còn hoạt động. Người dân phải liều mình ra ngoài, né tránh những vụ nã đạn và súng cối, để hái rau từ vườn của mình, nguồn thực phẩm duy nhất của họ.
Chính phủ Ukraine và chính quyền địa phương đã kêu gọi người dân rời khỏi thị trấn bị bao vây, nhưng người dân địa phương cho biết những lối thoát hiếm hoi được cho là an toàn vẫn còn quá nguy hiểm. Những nơi họ có thể đến để xin trợ giúp vẫn còn hạn chế. Thay vào đó, một mạng lưới tình nguyện viên, được khởi xướng từ các nhà thờ hoặc các nhóm dân thường, đã sơ tán người dân từ hai khu vực bị ảnh hưởng nặng nề, Luhansk và Donetsk và bố trí chỗ ở cho họ tại các địa điểm an toàn hơn.
Tình nguyện viên lan truyền thông tin qua phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Họ sẽ liệt kê vị trí và thời gian đến đón người dân, đôi khi kèm theo những điều kiện ngắn gọn như "có thể bị trì hoãn trên đường đi". Một số bài đăng trên mạng nêu rõ liệu tình nguyện viên có đưa hàng viện trợ nhân đạo vào thị trấn hay không, hoặc báo trước rằng họ sẽ chỉ sơ tán phụ nữ, trẻ em, và người già. Tuy nhiên, khi mạng di động, truyền hình, đài phát thanh, và dịch vụ Internet ngày càng hạn chế, các tình nguyện viên lựa chọn ở lại Luhansk và Donetsk là nguồn thông tin duy nhất cho những người muốn rời đi.
Lái xe Vladimir Parkhomenko cho biết Nhà thờ Good News tại Slovyansk, từ giữa tháng 7, tổ chức những tuyến xe buýt từ Gorlivka, khu vực kiểm soát của phe ly khai. Ông và các tình nguyện viên hàng ngày đưa khoảng 50 người tị nạn kiệt xức rời khỏi thị trấn này. Kể từ khi bắt đầu sơ tán, ông ước tính đã giúp đỡ hơn 1.500 người di tản.
Các tình nguyện viên không có thỏa thuận chính thức với quân đội Ukraine hoặc với Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DNR) và Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng (LNR).
Vì vậy, họ vẫn có thể là mục tiêu tấn công, mặc dù họ treo cờ trắng hoặc dán thông báo có trẻ em trên xe ở kính trước. Ngày 17/ 8, xe chở đoàn người tị nạn từ các làng trong khu vực Luhansk bị trúng rocket, khiến 17 dân thường thiệt mạng.
Mỗi ngày, các tình nguyện viên đều đứng trước nguy cơ bị bắt phải quay lại, bị cướp, hoặc bị bắt giữ. Vào tháng 8, một tình nguyện viên từ thành phố Zaporizhia, đông nam Ukraine, bị giữ lại tại một rào chắn do LNR kiểm soát, khi đang lái xe đến thị trấn do phe ly khai kiểm soát Krasnyi Luch, Luhansk, để sơ tán người tị nạn. Ông bị giam giữ trong 6 ngày, bị đánh đập và bắt ký vào một bản nhận tội rằng anh ta thuộc một nhóm phản động của Ukraine. Ông được thả sau khi vợ của một thủ lĩnh LNR can thiệp, tuy nhiên, ông bị tịch thu toàn bộ giấy tờ, điện thoại, và xe.
Vì các tình nguyện viên giúp đỡ người dân miễn phí, họ bị những người ủng hộ phiến quân tấn công, do những người này muốn kiếm lợi từ việc sơ tán các gia đình ra khỏi vùng xung đột. Đông Ukraine là khu vực chủ yếu theo Chính Thống giáo, vì vậy, các tình nguyện viên của thờ Tin Lành như Good News có thể gặp nguy hiểm trước DNR và LNR vì đức tin của họ.
Tuy nhiên, các tình nguyện viên không nản lòng trước những mối nguy hiểm đó. "Tôi làm điều này vì tôi thất nghiệp", Parkhomenko nói một cách nghiêm túc. "Đó là một cách giải trí của tôi, một sự kích thích tâm lý".
"Đó là một câu nói đùa kiểu Nga thôi", ông nói thêm.
Tuy nhiên, nó không hoàn toàn là lời nói đùa. Parkhomenko thật sự thất nghiệp. Ông từng làm công việc vận chuyển vật liệu xây dựng, cho đến khi những chiến binh của DNR chiếm nhà thờ Good News và cả xe buýt của ông, khi họ chạy trốn trước bước tiến của quân đội Ukraine. Kể từ đó, ông lái xe cho nhà thờ.
"Mục sư nhà thờ thấy rằng chúng tôi phải giúp người dân sơ tán. Chúng tôi phải làm vì không còn ai khác giúp họ", ông Parkhomenko nói.
Các chuyến xe buýt của nhà thờ Good News không chỉ đưa người dân ra khỏi thị trấn, họ còn vận chuyển người từ thị trấn do Ukraine kiểm soát, Slovyansk tiến vào Gorlivka. Trong một chuyến đi khứ hồi vào giữa tháng 8, Parkhomenko đã đón hai mẹ con, Marina và Nadezhda tại ngay bên ngoài Slovyansk. Hai người này đi tiếp tế thực phẩm cho những người họ hàng không chịu rời khỏi Gorlivka, vì lo sợ nhà mình sẽ bị cướp phá, và vì họ không còn nơi nào khác để đi.
"Tất cả các trung tâm cứu trợ đều chật ních", cô con gái Marina nói. "Họ không được coi là người tị nạn vì tình hình hiện giờ không được tính là một cuộc chiến thật sự. Có bắn súng và ném bom, nhưng lại không phải là chiến tranh".
Khi xe buýt dừng lại hết rào cản này đến rào cản khác của quân đội Ukraine, Parkhomenko giải thích rằng ông chỉ có thể đưa họ đến Mykytivka, một huyện ở rìa bắc Gorlivka, phía bên kia của cây cầu bị bom san phẳng. Những người phụ nữ gật đầu, họ có thể tự đi vào thị trấn, dù họ không chắc bằng cách nào. Họ đi những đôi xép xăng đan giá rẻ sặc sỡ và mang những chiếc túi xách bóng bẩy, họ hoàn toàn không chuẩn bị tốt trước khi tiến vào khu vực xung đột. Tuy nhiên, giống như Parkhomenko, họ cho biết họ phải đi bởi vì không có ai khác sẽ đi thay.
"Không ai giúp đỡ người dân, chính phủ Ukraine không làm điều đó, DNR thậm chí còn không thể tự cung cấp thực phẩm cho lực lượng", Nadezhda cho biết.
Khi xe bus đến Mykytivka và đoàn người sơ tán dồn lên xe, Marina và Nadezhda lại chạy theo hướng ngược lại. Họ tiến vào nơi nguy hiểm, mang theo túi xách và những túi đựng thực phẩm để tiếp tế cho họ hàng.
Liên Hợp Quốc ước tính, kể từ tháng 3, có hơn 1 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa do xung đột ở miền đông Ukraine. Nhiều người đã chạy trốn sang Nga. Những người còn lại sơ tán đến các khu vực ngoài vùng kiểm soát của phiến quân tại Ukraine. Họ gặp khó khăn khi tìm nơi ở. Nhiều người đến Svyatogorsk, khu nghỉ mát từng nổi tiếng ở gần Slovyansk, nơi các tình nguyện viên và cơ quan cứu trợ biến trại nghỉ hè thành trạm chuyển tiếp cho dân di tản. Do thiếu vắng sự tham gia chính quyền trung ương, các nhà thờ, tổ chức phi chính phủ, và chính quyền địa phương phải cố gắng bố trí cho dân tị nạn sống cùng với gia đình của tình nguyện viên, hoặc trú tạm trong các tòa nhà của chính quyền thành phố. Tuy nhiên, họ cho biết tình trạng tại đây đang ngày càng khó khăn.
"Lúc đầu, khi cuộc xung đột nổ ra ở nơi khác, tôi từng nghĩ tôi sẽ cho dân tị nạn trú ẩn tại nhà", Olga Bradol, một phụ nữ khoảng 50 tuổi, nói khi lên xe buýt ra khỏi Gorlivka. Bà còn chưa xác định được đích đến của mình. "Bây giờ chính tôi lại phải chạy trốn", bà nói.
Khi xe buýt dời khỏi khu vực xung đột đến gần Artemivsk, khu vực do Ukraine kiểm soát, những người di tản bắt đầu chiêm ngưỡng khung cảnh xung quanh. Artemivsk chỉ cách Gorlivka 30 phút lái xe, nhưng đối với những người tị nạn, đó là một thế giới khác. Tại đây, các cửa hiệu còn hàng hóa, các ngân hàng còn hoạt động, người dân đi lại yên bình trên đường. "Thật tuyệt khi lại được sống trên đất nước mình một lần nữa, chứ không phải nơi phiến quân chiếm đóng", Gubenko vừa nói vừa thở dài. Ở đằng sau xe buýt, một phụ nữ đang lặng lẽ khóc mà không ai để ý. Một phụ nữ khác đang cố gắng gọi điện thoại cho con trai mình, người vẫn ở lại Gorlivka cùng gia đình, bà bật khóc ngay sau đó.
Bradol vẫn ngồi trên xe buýt để đến Svyatogorsk, vì bà không còn có thể làm gì khác. Bà chỉ mang theo một chiếc túi nhỏ, không ai có thể mang nhiều đồ đạc ra khỏi Gorlivka qua cây cầu bị phá hủy. Bà đã sống tại Gorlivka trong 30 năm, giống như tất cả những người tị nạn khác, bà không biết khi nào hay liệu bà có thể trở về nhà không.
"Sống sót cũng thật đáng sợ", bà nói, "bởi vì bây giờ tôi phải tính xem làm cách nào để sống tiếp".
Vũ Thảo (Theo Foreign Policy)