An Nhiên (4 tuổi) thường được mẹ cho đến bể bơi công cộng gần nhà và mùa hè để học bơi. Tuy nhiên, sau 4 buổi, bé bị ù tai, khó chịu và sốt dù đã được vệ sinh tai bằng bông. Sau 3 ngày, tai bé bị đỏ, sưng nề, mủ vàng chảy từ tai, bé phải nhập viện điều trị.
Tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, bác sĩ cho biết bé bị viêm tai giữa cấp. Bệnh có thể biến chứng thủng màng nhĩ gây giảm thính lực nếu chậm điều trị.
Tương tự, bé Hoài Anh (8 tuổi) ngứa mũi, chảy nước mũi sau 1 tuần học bơi. Các triệu chứng nặng dần khiến bé đau nhức xương gò má, mờ mắt, đi khám phát hiện viêm xoang cấp. Bé được điều trị, rửa mũi, dùng thuốc thông mũi, sức khỏe cải thiện sau vài ngày.
ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết số lượng bệnh nhi bị viêm tai giữa, viêm xoang sau khi đi bơi tăng gấp đôi vào mùa hè. Nhiều trường hợp có triệu chứng nặng như: đau đầu, đau tai, sưng nửa mặt, mờ mắt, viêm đa xoang... phải điều trị lâu dài.

Trẻ khám tai mũi họng tại BVĐK Tâm Anh. Ảnh: Huyền Phạm
Bác sĩ Hằng giải thích nước bể bơi công cộng thường có nhiều hóa chất tẩy rửa và có thể chứa nhiều mầm bệnh. Nghiên cứu của Đại học Alberta (Canada) năm 2017, khảo sát trên 31 bể bơi công cộng, phát hiện nước tiểu ở tất cả bể bơi. Trong đó, bể bơi chứa khoảng 833 lít nước có 75 lít nước tiểu, còn bể bơi kích thước nhỏ hơn có 26,5 lít nước tiểu. Như vậy, nước bể bơi có khoảng 6-9% là nước tiểu.
Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu về lượng nước tiểu trong hồ bơi. Tuy nhiên, theo một báo cáo khảo sát năm 2014, tại Hà Nội chỉ 1/3 số bể bơi đạt tất cả 13 chỉ tiêu về mẫu nước. Bể bơi thường quá tải, đặt ra vấn đề đảm bảo vệ sinh, chất lượng nước do có nhiều người cùng sử dụng trong mùa hè, có thể chứa nhiều mầm bệnh.
Còn tại TP HCM, một khảo sát vào năm 2011, cho thấy nồng độ clo dư trong nước bể bơi thấp, là môi trường tốt cho vi sinh phát triển, lượng vi sinh trung bình đo được gấp 2,5 lần ngưỡng cho phép. Người bệnh dễ mắc các bệnh truyền nhiễm do vi sinh như tiêu chảy, tả...
Nước cũng là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn, ký sinh trùng trú ngụ. Trong đó có ký sinh trùng Cryptoporidium gây tiêu chảy sinh sống. Ký sinh trùng này gây tiêu chảy dữ dội, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn.
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết vi khuẩn phế cầu streptococcus pneumoniae thường gây ra nhiều bệnh lý nhiễm khuẩn phế cầu khác nhau, phổ biến là bệnh viêm tai giữa, viêm xoang, những bệnh nhiễm trùng nặng và nguy hiểm đến tính mạng như nhiễm khuẩn ở phổi gây viêm phổi, nhiễm trùng máu, viêm màng não...

Trẻ được tiêm vaccine phòng các bệnh do phế cầu khuẩn tại VNVC. Ảnh: Mộc Thảo
Vi khuẩn này thường trú ngụ sẵn trong hầu họng của trẻ em và người lớn hoặc môi trường bên ngoài. Khi sức khỏe suy yếu, khả năng miễn dịch của cơ thể suy giảm là lúc phế cầu khuẩn thừa cơ hội tấn công vào đường hô hấp và gây ra các bệnh kể trên. Bên cạnh đó, nếu trẻ mắc viêm xoang, viêm tai giữa có thể bị bội nhiễm vi khuẩn phế cầu khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
Theo bác sĩ Hằng, hầu hết trường hợp trẻ diễn tiến nặng do phụ huynh chủ quan, bỏ qua các triệu chứng như ngứa mũi, nhảy mũi. Do đó, bác sĩ khuyến cáo gia đình đưa trẻ đi khám ngay khi có triệu chứng chảy mũi liên tục, nước mũi đục kèm sốt cao, uống thuốc không khỏi, đau tai, sưng mắt, nghe kém...
Để phòng bệnh khi đi bơi cho trẻ, bác sĩ Hằng khuyến cáo phụ huynh chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết như: đồ bơi, phao bơi, mũ bơi, kính bơi, nút tai, khăn lông, dầu gội, xà phòng tắm, nước muối sinh lý nhỏ mắt.
Trước khi xuống hồ, trẻ nên tắm gội sạch sẽ và khởi động làm nóng cơ thể để tránh chuột rút. Trong khi bơi, trẻ cần tránh sặc nước, hạn chế nước vào tai và mũi họng. Khi mới bơi xong nên choàng khăn ngay cho trẻ để tránh gió. Sau đó, tắm kỹ bằng nước sạch để tránh nhiễm bẩn từ nước hồ và lau khô giữ ấm. Gia đình cũng nên cho trẻ tiêm vaccine phòng tránh các tác nhân nhiễm khuẩn như phế cầu, Hib gây viêm tai giữa.
Về biện pháp vaccine, bác sĩ Chính khuyến cáo trẻ có thể tiêm các vaccine phòng viêm tai giữa và các bệnh do phế cầu khuẩn gồm: vaccine Prevenar 13 (Bỉ) và Synflorix (Bỉ). Trong đó, vaccine Prevenar 13 (Bỉ) được chứng minh giúp giảm 66% nguy cơ nhập viện vì viêm xoang, ngăn chặn nguy cơ mắc viêm tai giữa, giảm diễn tiến nặng. Để phòng vi khuẩn Hib, trẻ có thể lựa chọn tiêm chủng với các vaccine như: vaccine 6 trong 1 Hexaxim (Pháp), Infanrix Hexa (Bỉ), vaccine Quimi-Hib (Cu Ba).
Chi Lê