Sàn chậu được ví như một cái võng hình thành từ nhiều khối cân và cơ đan xen nhau. Khối cân và cơ này bám chắc vào phía trước là thành bụng và xương mu, hai bên là xương chậu hông, phía sau là cột sống thắt lưng xuống đến xương chậu cùng cụt. Sàn chậu là tổng thể của 3 hệ thống gồm sinh dục (tử cung, âm đạo), niệu dưới (bàng quang, niệu đạo), tiêu hóa dưới (trực tràng, hậu môn). Sàn chậu còn chứa nhiều hệ thống mạch máu và thần kinh.
Nhiệm vụ của sàn chậu là giữ cho các cơ quan này nằm đúng chỗ, không bị sa xuống khi làm việc nặng, vận động chạy nhảy. Sàn chậu còn có vai trò đóng mở các lỗ đường tiểu, âm đạo, hậu môn, giúp kiểm soát hoạt động đi tiêu và tiểu theo ý muốn, hoạt động tình dục, giúp quá trình sinh dễ dàng hơn. Ba hệ thống này hoạt động hài hòa, nhịp nhàng với nhau, hệ thống này nhường nhịn hệ thống kia theo sự điều khiển chủ động của con người.
Bác sĩ CK2 Nguyễn Thị Vĩnh Thành, Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) cho biết, theo thống kê, cứ 3 phụ nữ từng mang thai và sinh đẻ, có một người bị són tiểu. Gần 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị són tiểu, 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa các cơ quan trong vùng chậu. Trong đó cứ 5 người thì có một người bị sa từ 2 cơ quan trở lên như sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng. Nguyên nhân của rối loạn chức năng sàn chậu và sa cơ quan vùng chậu là do mang thai, thói quen xấu, suy yếu sức cơ theo tuổi...
Cơ sàn chậu bị đứt rách trực tiếp do quá trình mang thai và sinh thường dẫn đến các rối loạn chức năng. Ảnh minh họa: Lê Phương. |
Một số biểu hiện rối loạn chức năng sàn chậu:
Đường tiểu:
- Són tiểu khi ho, khi chạy nhảy hoặc mang vật nặng.
- Không nín tiểu được theo ý muốn khi mắc tiểu.
- Tiểu đêm trên một lần.
- Tăng hay giảm cảm giác mắc tiểu, tiểu lắt nhắt trên 8 lần một ngày.
- Tiểu khó phải rặn.
- Cảm giác đi tiểu không hết.
Đi tiêu:
- Són hơi, són phân khi ho, hắt hơi hay chạy nhảy.
- Không giữ được theo ý muốn khi mắc xì hơi hoặc mắc đi tiêu.
- Táo bón kéo dài, đi tiêu khó phải dùng thuốc bơm hoặc thuốc uống.
Đường sinh dục: Sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng, ruột.
Rối loạn tình dục: Giao hợp đau, giảm cảm giác, cảm giác cửa mình rộng.
Đau vùng chậu mãn tính: Đau vùng thắt lưng chậu, đau vùng bụng dưới, vùng cửa mình.
Theo bác sĩ Vĩnh Thành, bệnh nhân sẽ được hỏi bệnh, thăm khám để lập hồ sơ đánh giá chức năng sàn chậu. Tùy tình trạng, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm chuyên biệt như siêu âm bụng để đánh giá độ nâng và giữ của cơ sàn chậu, đo điện cơ sàn chậu, hướng dẫn ghi nhật ký đi tiểu, xét nghiệm nước tiểu, đo niệu động học, MRI động vùng bụng chậu, siêu âm cơ thắt hậu môn... Tùy mức độ bệnh lý sẽ được tư vấn điều trị, hoặc nội khoa với vật lý trị liệu hoặc phải phẫu thuật.
Những trường hợp cần khám và tập luyện cơ sàn chậu
- Cơ sàn chậu suy yếu dần theo tuổi, số lần mang thai và sinh đẻ. Mang thai là một tình trạng gây tăng áp lực ổ bụng, phụ nữ mang thai và sau sinh có biểu hiện són tiểu, són hơi, són phân, không giữ được tiêu tiểu theo ý muốn cần phải được tư vấn tập luyện cơ sàn chậu.
- Tình trạng thiếu nội tiết ở phụ nữ tuổi mãn kinh cũng là một nguyên nhân gây rối loạn chức năng sàn chậu.
- Phụ nữ từ 40 đến 60 tuổi có biểu hiện rối loạn chức năng sàn chậu và sa các cơ quan vùng chậu nên đi khám phụ khoa thường niên, và khám đánh giá rối loạn chức năng sàn chậu để được tư vấn và điều trị.
Việc tập luyện cơ sàn chậu giúp:
- Ngăn ngừa và điều trị hiệu quả 80% bệnh són tiểu, són hơi, són phân, mắc tiêu tiểu không cầm được, tiểu đêm.
- Ngăn ngừa sa các tạng trong vùng chậu, gồm sa tử cung, bàng quang, trực tràng. Nếu đã sa thì ngăn ngừa không để sa nặng hơn.
- Hỗ trợ chuyển dạ sinh dễ dàng hơn.
- Cải thiện, tăng cảm giác tình dục ở cả nữ và nam, phòng tránh các rối loạn tình dục như giao hợp đau, giao hợp có tiếng động, giảm khoái cảm, âm đạo rộng...
Các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ sẽ hướng dẫn tập vật lý trị liệu sàn chậu miễn phí lúc 14h-16h30 ngày 30/5 và 9h-11h30 ngày 31/5 tại phòng khám sản phụ khoa số 2, Lương Hữu Khánh, quận 1, TP HCM. Liên hệ đăng ký qua điện thoại 0945.00.13.86 hoặc email minhle.khamsuckhoe@gmail.com. |
Lê Phương