Anh đến Bệnh viện Việt Đức khám, phim chụp cộng hưởng từ phát hiện khối u ở hố chậu phải, kích thước khoảng 7 cm, chẩn đoán u tinh hoàn. Ngày 10/8, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi, cắt toàn bộ khối u tinh hoàn lạc trong ổ bụng bệnh nhân.
Đây là một trong những bệnh nhân được các bác sĩ Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận trong hai tuần qua. Họ đều không thấy tinh hoàn trong bìu từ nhỏ, không điều trị dẫn đến biến chứng ung thư hóa.
Trước đó, các bác sĩ Trung tâm Nam học cũng phẫu thuật Nội soi cắt toàn bộ u tinh hoàn trái trong ổ bụng cho bệnh nhân 37 tuổi, là giáo viên, đã có vợ và hai con. Anh đến viện trong tình trạng đau tức vùng hạ vị lệch trái. Phim chụp cắt lớp vi tính có hình ảnh khối ở tiểu khung kích thước 10 cm, chẩn đoán tinh hoàn trái ung thư hóa.
Phó giáo sư Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức, cho biết trong giai đoạn đầu của thai nhi nam, tinh hoàn nằm trong ổ bụng. Sau đó, tinh hoàn di chuyển dần xuống bìu và nằm ở đó cho tới lúc trẻ được sinh ra. Sự di chuyển từ bụng xuống bìu của tinh hoàn chịu sự tác động của rất nhiều cơ chế. Nếu những cơ chế này bị ảnh hưởng sẽ làm tinh hoàn không xuống được bìu và gây ẩn tinh hoàn.
"Ẩn tinh hoàn là một trong những dị tật bẩm sinh thường gặp nhất của cơ quan sinh dục nam, gặp ở khoảng 3% trẻ sinh đủ tháng, sau đó tinh hoàn có thể xuống thêm tự nhiên và đến khi một tuổi còn tỷ lệ 1%", bác sĩ Quang nói.
Các nguy cơ đối với bệnh nhân có ẩn tinh hoàn như:
- Vô sinh, đặc biệt với nam giới ẩn tinh hoàn hai bên.
- Ung thư tinh hoàn. Tinh hoàn ẩn có nguy cơ ung thư cao gấp 3-4 lần so với tinh hoàn trong bìu.
- Xoắn tinh hoàn.
Về nguyên tắc điều trị, phẫu thuật hạ tinh hoàn được tiến hành càng sớm càng tốt, giảm các nguy cơ ung thư hóa. Tất cả nam giới nếu không thấy tinh hoàn một hoặc hai bên thì cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được xử lý kịp thời, tránh các nguy cơ như vô sinh và nguy cơ ung thư hóa.