Công tố viên Pháp Brice Robin hôm qua cho biết dữ liệu ghi âm buồng lái cho thấy cơ trưởng máy bay Germanwings đã bị khóa ở ngoài sau khi đi vệ sinh, và cơ phó Andreas Lubitz đã "cố tình để chiếc máy bay mất độ cao". Các chuyên gia đang cố gắng ghép nối manh mối với nhau để tìm hiểu lý do tại sao Lubitz lại hành động như vậy. Trạng thái tinh thần của anh ta có thể là một nguyên nhân khả dĩ.
Nếu cuộc điều tra cho thấy sức khỏe tâm thần của cơ phó là một trong những nguyên nhân thì đây không phải là vụ việc chưa có tiền lệ. Trong một nghiên cứu năm 2014 trên tạp chí Hàng không, Vũ trụ, Y học và Môi trường, các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu 20 năm về "các vụ tự sát liên quan đến máy bay". Từ năm 1993-2012, 24 trong số 7.244 vụ rơi máy bay được cho là do phi công cố tình gây ra. Tuy con số này chưa chiếm đến 1% nhưng nó vẫn đủ để đặt ra câu hỏi về các yếu tố gây stress với phi công.
Theo DW, chuyên gia hàng không Michael Muller cho biết không có tiêu chuẩn quốc tế về việc kiểm tra phi công. Các hãng hàng không tự quyết định quy trình lựa chọn nào phù hợp với nhu cầu của mình.
Tại Mỹ, thị trường hàng không lớn nhất thế giới, phi công được yêu cầu vượt qua kỳ kiểm tra mỗi 6 tháng hoặc hàng năm, tùy thuộc vào độ tuổi. Họ được yêu cầu phải tiết lộ tất cả các điều kiện hiện tại về thể chất và tâm lý và dùng thuốc nếu không sẽ bị phạt lên đến 250.000 USD.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ cho biết các bác sĩ có nghĩa vụ phải đặt câu hỏi về sức khỏe tâm thần trong bài kiểm tra, nhưng một số phi công nói với AP rằng họ không được hỏi cụ thể về những vấn đề như vậy.
"Họ kiểm tra mắt, tai, tim, những thứ bắt đầu kém đi theo tuổi tác, nhưng họ không làm bất cứ điều gì với đầu của bạn", Bob Kudwa, một cựu phi công của American Airlines cho biết.
Tại châu Âu, tất cả phi công phải được đánh giá tâm thần thường xuyên trong bài kiểm tra về y học hàng không để có giấy phép bay. Quá trình này do Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu giám sát, diễn ra mỗi 6 tháng đối với các phi công hơn 40 tuổi và hàng năm với các phi công trẻ.
Các hãng hàng không còn có quy định "tự báo cáo" bệnh tình, cả về mặt tâm lý hoặc thể chất. Lufthansa cho phép phi hành đoàn có thể báo cáo vấn đề sức khỏe của chính họ hoặc người khác mà không sợ bị phạt.
"Bạn kiểm tra xem liệu phi công có ổn không, nhưng đó không phải là điều dễ dàng", Vuorio nói. Phi công chỉ cần trả lời các câu hỏi có hay không về sức khỏe tâm thần của họ, giống như họ đã từng cố gắng tự tử hay gặp bác sĩ tâm lý hay chưa. "Tất cả đều phụ thuộc vào điều họ nói", ông cho biết thêm. Phi công có thể đến một vài địa điểm để thực hiện các bài kiểm tra này. Nếu nó không được tiến hành nội bộ thì dữ liệu trong quá khứ sẽ không xuất hiện trên màn hình.
Tuy nhiên, phi công thường ít khi tiết lộ vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm cả các dấu hiệu trầm cảm hay lo lắng, vì điều đó có thể khiến họ không được phép bay, Scott Shappell, giáo sư khoa nhân tố con người tại Đại học Hàng không Embry-Riddle, đồng thời là một cựu phi công và nhà điều tra tai nạn, cho biết.
Ngoài ra, các nhà giám định y khoa, người đưa ra kết quả đánh giá phi công chưa chắc đã được đào tạo chuyên môn về tâm lý, vì vậy họ có thể không nhận ra những biểu hiện khó thấy như trầm cảm hay nghiện rượu.
Theo Tiến sĩ William Sledge, giám đốc y tế của Bệnh viện tâm thần Yale-New Haven, người đánh giá phi công cho Cục Hàng không Liên bang (FAA), Mỹ, khoảng 40% phi công ông gặp có vấn đề liên quan đến rượu, một phần ba bị trầm cảm hoặc lo âu. Chỉ có khoảng một nửa trong số này tự báo cáo vấn đề của mình, trong khi nửa còn lại chỉ thông báo với Sledge sau khi để xảy ra các sự cố khiến cấp trên phải can thiệp.
"Vấn đề là không có động lực" để khuyến khích họ tự báo cáo về vấn đề tâm thần, Shappell nói. "Họ biết rằng nếu họ tự báo cáo, thì với hệ thống được thiết kế như hiện nay, đó sẽ là một dấu đen" trong hồ sơ.
Phi công sẽ bị loại khỏi lịch trình bay khi họ bắt đầu dùng thuốc chống trầm cảm. Cho đến năm 2010, những loại thuốc này thậm chí còn bị cấm và các phi công sử dụng chúng sẽ bị truất quyền bay mãi mãi.
Những người làm việc trong ngành phải chịu áp lực cao như phi công phải đối mặt với nhiều yếu tố gây stress đặc biệt, ví dụ như đòi hỏi cao về thể chất hay phải chịu trách nhiệm về mạng sống của người khác. "Ở những vị trí này, họ được cho là có năng lực vượt trội", bà nói. "Họ không có nhiều người để chia sẻ và trò chuyện cùng, và không thể để lộ ra những mặt yếu kém của mình. Điều đó làm gia tăng sức ép".
Phương Vũ