Tuy không gây nhiều tác động trên thực địa, vụ không kích sáng 14/4 của liên quân Mỹ, Anh, Pháp vào Syria dường như là đòn thách thức hoạt động của quân đội Nga tại đây. Bình luận viên Yury Barmin của Al Jazeera cho rằng đòn tấn công đã biến cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này trở thành cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, gây nguy cơ bắt đầu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Giữa lúc Nga và Mỹ đưa ra những tuyên bố cứng rắn trước trận không kích, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã khẳng định "Chiến tranh Lạnh đang trở lại". Tương tự cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô trong thế kỷ 20, mối quan hệ tích cực giữa Nga và Mỹ đã giảm xuống mức rất thấp, chủ yếu tập trung vào điều phối để tránh gây xung đột quân sự trực diện trên chiến trường.
Thay vì ưu tiên sử dụng biện pháp ngoại giao và chính trị trong quan hệ song phương, Washington và Moskva đang dựa vào lực lượng quân đội để duy trì liên hệ, giảm căng thẳng tại Syria.
Quân đội nắm quyền ngoại giao
Đòn tấn công giới hạn hôm 14/4 của liên quân Mỹ không gây bất ngờ nếu nhìn nhận theo quan điểm thời Chiến tranh Lạnh.
Cuộc không kích chớp nhoáng của Mỹ, Anh, Pháp vào Syria
Trong thời Chiến tranh Lạnh, căng thẳng gia tăng rất nhanh nhưng cũng được tháo ngòi một cách chóng vánh. Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, sự kiện đẩy Mỹ và Liên Xô tới bờ vực chiến tranh hạt nhân tổng lực, là ví dụ điển hình. Chỉ trong 13 ngày, cuộc đối đầu leo thang tới mức hai nước đe dọa tấn công phủ đầu lẫn nhau, đồng thời đặt quân đội vào tình trạng báo động cao.
Tuy nhiên, Washington và Moskva lại nhanh chóng đạt thỏa thuận giảm leo thang, trong đó Liên Xô sẽ rút tên lửa hạt nhân khỏi Cuba. Đã có ít nhất hai lần lãnh đạo Mỹ và Liên Xô quyết định không phản ứng trước hành động khiêu khích của đối phương. Khủng hoảng tên lửa Cuba kết thúc nhanh chóng, nạn nhân duy nhất là phi công trinh sát cơ U-2 bị phòng không Cuba bắn hạ.
Tại Syria, quân đội Nga và Mỹ đều tỏ ra cẩn trọng, dù các lãnh đạo liên tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn. Căng thẳng thường xuyên giảm nhiệt, trong khi những lời đe dọa đều không ăn nhập với cách quân đội hai nước tháo gỡ xung đột trên thực địa.
Mặt trận đối đầu mới giữa phương Tây và Nga
Căng thẳng ngoại giao giữa Nga và phương Tây trong thời gian gần đây khiến khủng hoảng Syria có nguy cơ bùng nổ cao hơn nhiều so với những năm trước.
Dù Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định đòn tấn công Syria nhằm đưa ra thông điệp mạnh mẽ phản đối việc sử dụng vũ khí hóa học, đó không hẳn là lý do thúc đẩy Paris và London tham gia chiến dịch không kích của Washington.
Vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Nga Sergei Skripal và con gái Yulia đã đẩy Anh và Nga vào thế đối đầu, với đỉnh điểm là việc hai bên trục xuất các nhà ngoại giao của đối phương.
Quan hệ Pháp - Nga cũng không tốt đẹp trong những năm gần đây. Ông Macron vẫn tỏ ra không hài lòng về cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Pháp năm 2017. Trong chuyến thăm Paris của Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ vài ngày sau cuộc bỏ phiếu, ông Macron đã phê phán truyền thông Nga, gọi việc đưa tin về chuyến đi của ông Putin là hành động "tuyên truyền".
Dưới quan điểm của Điện Kremlin, dường như Pháp và Anh đang tăng cường sự can dự tại Syria, giúp họ chuyển hướng cuộc đối đầu với Nga tới những mặt trận xa quê nhà. Đây có thể là phương án làm giảm áp lực dọc biên giới đông bắc khối NATO. Đối với Moskva, chống lại việc mở rộng ảnh hưởng của NATO tại biên giới là một trong những trọng tâm dưới thời Chiến tranh Lạnh.
Syria được ví như nước Đức thời Chiến tranh Lạnh
Moskva và Washington nhận ra Syria là nơi thuận tiện nhất để thể hiện quan điểm trước đối phương. Tổng thống Trump và người đồng cấp Putin đều không muốn nổ ra giao tranh tại Syria, nhưng việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sắp bị xóa sổ tại Syria khiến các chiến dịch chống khủng bố không còn mang lại lợi ích chính trị như trước.
Nga và Mỹ hiểu rằng quá trình hòa giải chính trị kéo dài sau khi xung đột kết thúc sẽ không mang lại vinh quang như lời tuyên bố chiến thắng trước IS. Khi hoạt động chống khủng bố đi vào hồi kết, Syria trở thành nơi cạnh tranh quyền lực và ảnh hưởng giữa các cường quốc.
Thực tế cho thấy Nga và Mỹ đang phân chia địa bàn hoạt động rất rõ ràng ở Syria. Trong khi quân đội chính phủ Syria dưới sự yểm trợ của Nga chủ yếu tác chiến ở khu vực phía tây sông Euphrates, địa bàn ở phía đông và phía bắc con sông này là nơi lực lượng đối lập do Mỹ hậu thuẫn hoạt động. Với sự phân chia này, Moskva và Washington sẽ tiếp tục tìm kiếm, duy trì lợi ích tại Syria thông qua sự đối đầu ngoại giao.
Sẽ không bất ngờ nếu Syria có tương lai giống nước Đức thời Chiến tranh Lạnh. Có khả năng hai cường quốc cùng các đồng minh sẽ tận dụng Syria để đặt ra những quy tắc và lằn ranh đỏ mới cho cuộc ganh đua chính trị. Sự phân chia Đông Đức và Tây Đức dưới thời Chiến tranh Lạnh rất có thể sẽ xuất hiện trở lại ở quốc gia Trung Đông này, Barmin nhận định.
Việt Hòa