Một khảo sát năm 2010 về tình trạng bán thuốc kháng sinh ở gần 3.000 hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị phía Bắc, cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc cũng như người dân còn thấp. Đến 88% thuốc kháng sinh được mua mà không cần kê đơn. Trong tổng doanh thu của hiệu thuốc, kháng sinh đóng góp đến gần 14% (khu vực thành thị) và khoảng 19% (vùng nông thôn). Đáng chú ý, nhiều người mua kháng sinh để điều trị ho - tỷ lệ này ở thành thị lên đến gần 32%.
Nghiên cứu của Tổ chức Y tế giới (WHO) mới đây tại Việt Nam cũng cho thấy trong số 10 loại thuốc được dùng phổ biến thì kháng sinh là cao nhất, trong đó kháng sinh thế hệ thứ 3 nằm đầu danh sách. Nhu cầu thực phẩm gia tăng, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi cũng ở mức báo động. Nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy có đến 45 loại kháng sinh được người nông dân sử dụng để điều trị, dự phòng và thúc đẩy tăng trưởng.
Ở Việt Nam, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng, ở mức báo động.
Theo các chuyên gia, tình trạng kháng thuốc đặc biệt ở các nước đang phát triển đang ở mức báo động. Nếu không giải quyết bây giờ thì trong tương lai nhiều bệnh nhiễm khuẩn không điều trị được, các phẫu thuật sẽ nguy hiểm hơn. Chi phí thiệt hại do kháng thuốc ước tính có thể lên đến 100.000 tỷ đô la, 10 triệu người có thể chết nếu không có biện pháp hành động kiên quyết hơn. Kháng thuốc là mối đe dọa nghiêm trọng và thầm lặng, tạo ra bởi con người và giải pháp cũng chính con người đưa ra.
Sáng 24/6, lần đầu tiên Bộ Y tế tổ chức lễ ký kết văn bản thỏa thuận về phòng chống kháng thuốc với sự tham gia của đại diện các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Tài nguyên Môi trường và nhiều tổ chức quốc tế khác. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ký cam kết về phòng chống kháng thuốc.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, kháng sinh ra đời là bước ngoặt trong y học về điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên việc sử dụng loại "vũ khí" này không thích hợp, lạm dụng, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt là đối với các vi sinh vật đa kháng. Điều này làm cho thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao và chi phí điều trị ngày càng cao. Nhiều chủng vi khuẩn đã kháng nhiều loại kháng sinh kể cả kháng sinh thế hệ mới.
Việc phát triển các kháng sinh mới đã chững lại từ hơn 30 năm nay và chỉ có một vài kháng sinh mới ra đời, trong khi tỷ lệ kháng của vi khuẩn ngày càng gia tăng. "Kháng kháng sinh là mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai. Nó là hiểm họa ngày càng lớn đối với sức khỏe con người và nền kinh tế Việt Nam. Đáng báo động hơn khi kháng sinh xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái của chúng ta", Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Ông Jeffery Kobza, quyền Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh: "Cuộc khủng hoảng kháng thuốc mở rộng nhiều năm nay. Nhiều bệnh nhiễm trùng phổ biến trước có thể điều trị dễ dàng bằng kháng sinh thì giờ đây lại đe dọa tính mạng. Sự phát triển của kháng thuốc nhanh hơn sự phát triển của thuốc mới. Chúng ta có thể quay trở lại kỷ nguyên trước khi có kháng sinh".
Năm 2011, toàn cầu có khoảng 640.000 trường hợp lao đa kháng thuốc. 15% người điều trị HIV đã phải dùng đến thuốc phác đồ bậc 2 và bậc 3 đối với các nhiễm khuẩn kháng. Ký sinh trùng sốt rét Falciparum kháng với artemisinin đang nổi lên ở Đông Nam Á, kháng với chloroquine phổ biến ở hầu hết các nước lưu hành sốt rét.
Nam Phương