Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ mới đây ghi nhận 4 trẻ nhiễm khuẩn E.coli kháng thuốc, trong đó một bé tử vong, những trẻ khác đang trong tình trạng nguy kịch. Điều này khiến không ít người lo lắng vì từ trước đến nay tiêu chảy do E.coli là bệnh thường gặp tại Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, tiêu chảy do E.coli là bệnh thường xuyên ở nước ta, lây theo đường phân-miệng, nhưng tỷ lệ tử vong thấp. Với một số trường hợp kháng thuốc - gặp cả ở người lớn và trẻ nhỏ - điều quan trọng là phát hiện và điều trị sớm, nếu không tỷ lệ tử vong sẽ rất cao.
Theo ông, tại Việt Nam, nhóm vi khuẩn gram âm như E.coli đứng hàng thứ 2 trong số các vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm. Đặc biệt là E.coli chứa men NDM-1, từng gây các vụ dịch trước đây ở Thụy Điển, Đức, tỷ lệ tử vong khá cao.
"Chúng ta đã tìm thấy các khuẩn E.coli có men trên tại Việt Nam. Một số trường hợp tử vong, một số trường hợp may mắn cứu được, điều trị phối hợp nhiều loại thuốc. Nhìn chung tỷ lệ tử vong không cao như ở châu Âu", tiến sĩ Kính nói.
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cũng cho biết, khuẩn E.coli bình thường kháng kháng sinh thế thứ 3 là chính như: ceftriaxone, cefuroxime...- là thuốc chủ đạo ở các bệnh viện tuyến tỉnh. Đôi khi cũng có trường hợp kháng cả nhóm kháng sinh carbapenem - loại kháng sinh mạnh nhất hiện nay.
Theo tiến sĩ Phạm Văn Ca, Phó trưởng Khoa Xét nghiệm, theo số liệu giám sát trong năm 2012 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tỷ lệ kháng ampicilin của E.coli lên tới 81,4%; kháng amoxicillin/clavunanic và ampicillin/sulbactam khoảng 40%. Các kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ ba cũng bị kháng đến gần một nửa, và nhóm fluoro-quinolon cũng bị kháng khoảng 45%.
Cũng theo ông Ca, về mặt lâm sàng không có sự khác biệt giữa tiêu chảy do vi khuẩn E.coli kháng thuốc hay E.coli không kháng thuốc. Người bệnh bị đi ngoài, có thể nhiều lần trong ngày, kèm theo sốt hoặc không. Vì thế, tất cả các trường hợp tiêu chảy đều phải tìm căn nguyên và làm kháng sinh đồ, để xác định xem kháng với thuốc gì, thuốc gì còn nhạy cảm để điều trị được. Bệnh nhân sau 3 ngày điều trị mà triệu chứng không thuyên giảm thì bác sĩ nên nghĩ ngay đến kháng thuốc.
E.coli thường là thành phần chính trong nhóm vi khuẩn chí đường ruột, là nhóm vi khuẩn có ích. Trong khi đó, các chủng gây bệnh thường sống ngoài ngoại cảnh, vùng nước bẩn, sông rạch nhiễm phân của súc vật. Người ăn phải thức ăn bị nhiễm vi khuẩn này vào đường ruột, nó sẽ phát triển gây thành độc tố và một số bệnh cảnh nhất định. Ngoài tiêu chảy ra, E.coli còn gây ra nhiều bệnh lý khác nhau, như: nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ (đặc biệt sau chấn thương), nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm phổi…
Nam Phương