Trong cuộc họp nội các tuần trước, Thủ tướng Anh Theresa May yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson chứng minh vị thế "đẳng cấp hàng đầu" của quân đội nước này, theo Financial Times. Bà còn đặt câu hỏi về việc liệu quân đội Anh có nên duy trì khả năng răn đe của cả lục quân, hải quân, không quân và lực lượng hạt nhân hay không.
Tuyên bố này được bà May đưa ra trong bối cảnh chính phủ của bà muốn cắt giảm ngân sách cho quốc phòng để tìm kiếm nguồn tài chính gần 26,5 tỷ USD cho lĩnh vực y tế.
Các quan chức cấp cao cho biết sự can thiệp của bà May tác động mạnh tới kế hoạch hiện đại hóa lực lượng vũ trang của Anh. Một số người cho rằng bà đang nghi ngờ về vai trò toàn cầu của quân đội nước này.
"Điều này phản ánh tình trạng kinh tế của chúng tôi. Tất cả vấn đề nằm ở ngân sách. Bạn không thể chi tiền nếu không có", Business Insider dẫn lời nhà phân tích quân sự Tim Ripley. Ông cho rằng phát biểu của May thể hiện rằng Anh chấp nhận rút lui khỏi tham vọng về duy trì lực lượng quân sự "hàng đầu" thế giới.
"Nếu không chịu bỏ tiền, bạn không thể vươn tới vị trí đầu. Bất kể tác chiến không gian mạng xuất sắc thế nào đi nữa, mọi người sẽ chỉ quan tâm tới tàu chiến, xe tăng và máy bay", Ripley cho biết.
Theo Ripley, quyền lực quân sự và tình trạng kinh tế có mối tương quan chặt chẽ. Những cường quốc như Mỹ, Trung Quốc và Nga đều thể hiện sức mạnh qua việc gây áp lực quân sự, trong khi các quốc gia không đủ tiềm lực quốc phòng thường liên minh với các nước khác.
Tiến sĩ Jan Honig, giảng viên cao cấp về nghiên cứu chiến tranh tại Đại học King ở London, cho biết việc phòng thủ chung có thể bị gián đoạn do chủ nghĩa dân tộc. Ông đánh giá rằng khủng hoảng Brexit có thể đồng nghĩa với việc Anh không thể đáp ứng được nhu cầu cấp thiết về ngân sách cho quân đội.
Theo ông, trong hoàn cảnh khó khăn từ Brexit, chính phủ Anh rất cần sự ủng hộ từ người dân. Việc chi tiền cho quân đội không tỏ ra hiệu quả cao để lôi kéo dư luận, so với đổ tiền cho những vấn đề cấp thiết như y tế và phúc lợi xã hội.
Chủ tịch ủy ban quốc phòng Julian Lewis cho biết ông đang lo ngại rằng Thủ tướng May có đầu tư đủ ngân sách mà quân đội cần hay không. Những phát biểu của bà không dẫn đến hành động dứt khoát nhằm cắt giảm ngân sách quốc phòng, nhưng là dấu hiệu rõ ràng cho việc chuyển hướng trong chính sách.
Ánh Ngọc