Các quan chức ở Nhà Trắng và Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ gần đây bày tỏ lo ngại rằng quân đội Mỹ nhiều khả năng sẽ phải hứng chịu thất bại khi xảy ra xung đột với các đối thủ mạnh như Trung Quốc. Điều này xuất phát từ thực trạng các lực lượng quân sự, đặc biệt là không quân của nước này, đang rơi vào thời điểm khủng hoảng trầm trọng về khả năng sẵn sàng chiến đấu, theo National Interest.
Chuyên gia phân tích quốc phòng Dave Majumdar đánh giá rằng khó khăn đầu tiên mà Lầu Năm Góc đang phải đối mặt là sự thiếu hụt về số lượng chiến đấu cơ. Theo đó, lực lượng không quân của Thủy quân lục chiến Mỹ hiện không có đủ nhân viên bảo dưỡng được huấn luyện bài bản, khiến họ chỉ có thể sẵn sàng triển khai 64 trong tổng số 271 máy bay của lực lượng. Tình trạng của không quân Mỹ cũng chẳng khá hơn, khi chỉ có 43% máy bay đủ khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Các phi đội tiêm kích tấn công F/A-18 Hornet của hải quân Mỹ cũng đang gặp khủng hoảng khi chỉ một phần ba lực lượng có thể sẵn sàng cất cánh tham chiến.
"Nếu phải thành lập một phi đội gồm 10 tiêm kích tấn công trên tàu sân bay, tôi sẽ phải huy động thêm 4 máy bay từ các đơn vị mặt đất chưa hề có kinh nghiệm", đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ tư lệnh các hạm đội Mỹ phát biểu tại một phiên điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.
Do thiếu chiến đấu cơ, phi công của Thủy quân lục chiến Mỹ đang có ít giờ bay hơn các đồng nghiệp Nga và Trung Quốc. Hiện nay, họ chỉ có 4-6 giờ bay mỗi tháng thay vì 20-30 giờ như trước đây. Và điều đó có thể dẫn tới sự chênh lệch lớn về kinh nghiệm thực chiến.
"Hiện các phi công của chúng ta chỉ có số giờ bay ngang các phi công Triều Tiên và ít hơn ba lần so với phi công Trung Quốc", Bob Simmons, lãnh đạo phe đa số tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, khẳng định.
Theo chuyên gia phân tích quốc phòng David Axe của Daily Beast, hồi cuối năm 2015, Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật yêu cầu không quân nước này phải luôn có trong tay 1.900 chiến đấu cơ, bởi Trung Quốc và Nga đều gia tăng mua sắm chiến đấu cơ với mỗi nước có lần lượt khoảng 1.400 và 1.300 máy bay.
Tuy nhiên, hồi cuối tháng 5, Lầu Năm Góc thừa nhận rằng số lượng chiến đấu cơ của họ sẽ ở dưới "mức sàn" theo yêu cầu của Quốc hội từ năm 2022.
Theo Majumdar, ngoại trừ tiêm kích F-22 Raptor, tiêm kích đa nhiệm F-35 và oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit, hầu hết các chiến đấu cơ Mỹ đều không đủ khả năng xâm nhập sâu vào vùng phòng không của đối phương. Cường kích A-10, tiêm kích F-15, F-16 hay tiêm kích F/A-18 Hornet không thể sống sót trước các hệ thống phòng không tối tân của Nga và Trung Quốc.
Thậm chí ngay cả tiêm kích thế hệ 4 hiện đại nhất của Nga cũng không thể sống sót trước các hệ thống phòng không tích hợp uy lực của chính mình. "Việc sử dụng chiến đấu cơ thế hệ 4 trong môi trường tác chiến hiện nay sẽ rất khó khăn", Simmons nhận định.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân lớn nhất khiến không quân Mỹ thiếu khả năng sẵn sàng chiến đấu trong chiến tranh hiện đại là do tâm lý quan liêu, sợ rủi ro của giới chức Lầu Năm Góc. Điều này đã làm cản trở đáng kể quá trình đổi mới công nghệ.
Bên cạnh đó, việc Lầu Năm Góc theo đuổi tham vọng sản xuất các tiêm kích thế hệ mới như F-35 và F-22 được đánh giá là xa vời, không giải quyết nhu cầu cấp bách trước mắt là duy trì một khoảng cách phát triển vững chắc trước đối thủ.
Trong thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ phát triển các hệ thống công nghệ theo từng mốc thời gian vững chắc. Nhưng sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Lầu Năm Góc lại chạy theo các chương trình mua sắm lãng phí, không thiết thực, điển hình là mô hình hệ thống Tác chiến Tương lai của quân đội vốn tiêu tốn hàng tỷ USD nhưng không mang lại kết quả, theo Majumdar.
Theo Majumdar, Lầu Năm Góc và Thượng viện Mỹ cần hành động ngay từ bây giờ do những thay đổi địa chính trị đang diễn ra rất nhanh chóng.
Giải pháp được đa số chuyên gia quốc phòng ủng hộ là cách tiếp cận vững chắc, phi tập trung hóa trong chương trình mua sắm vũ khí. Thay vì chế tạo một vũ khí hủy diệt đa năng như siêu tiêm kích F-35 vốn cực kỳ tốn kém và mất hàng thập kỷ để chứng tỏ sự hiệu quả, Mỹ nên tập trung vào các vũ khí nhất định với chi phí thấp hơn nhưng triển khai nhanh hơn.
"Việc duy trì khoảng cách công nghệ sẽ thúc đẩy quá trình đổi mới phát triển theo hướng đạt được các bước phát triển vững chắc với độ rủi ro thấp hơn", Simmons đánh giá.
Xem thêm: Chiến lược đánh bại hạm đội pháo đài Trung Quốc của Mỹ và đồng minh.
Duy Sơn