Khác với nhà máy hạt nhân đang hoạt động, có thể sử dụng một phần điện mà nó tạo ra để cung cấp năng lượng cho hoạt động của nó, nhà máy Chernobyl của Ukraine hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn điện từ bên ngoài.
Vì vậy, khi nguồn điện đó bị cắt, như các quan chức Ukraine và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông báo, hàng loạt vấn đề có thể nảy sinh.
Quân đội Nga giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vài giờ sau khi tiến quân vào Ukraine ngày 24/2. Lực lượng Nga sau đó phối hợp với vệ binh quốc gia Ukraine bảo vệ nhà máy Chernobyl, cho phép cơ sở tiếp tục hoạt động. Sau khi Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, một số vụ giao tranh lẻ tẻ đã xảy ra xung quanh cơ sở này.
Tính đến hôm qua, nhà máy Chernobyl, hiện trường của thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử 36 năm trước, đang hoạt động chủ yếu nhờ máy phát điện diesel.
IEAE ngày 9/3 cho biết họ không nhận thấy "những tác động nghiêm trọng đến an toàn" tại khu vực này. Nhưng điều gì có thể xảy ra nếu tất cả phương án dự phòng đều thất bại và Chernobyl hoàn toàn mất điện?
Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đi vào hoạt động vào cuối những năm 1970, với hai lò phản ứng đầu tiên. Đến năm 1983, lò phản ứng thứ ba và thứ tư bắt đầu hoạt động.
Thảm họa Chernobyl được coi là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới, khi lò phản ứng số 4 tại nhà máy phát nổ vào tháng 4/1986, thổi một lượng lớn bụi nhiễm xạ vào không khí. Ước tính về số người chết trực tiếp và gián tiếp do thảm họa dao động từ mức thấp vài nghìn tới mức cao nhất là 93.000 người tử vong do ung thư trên toàn cầu.
Ba lò phản ứng còn lại của nhà máy về sau cũng bị đóng cửa, chiếc cuối cùng đóng vào năm 2000. Nhiên liệu hạt nhân đã bị loại bỏ khỏi tất cả chúng, các tuabin và những thiết bị khác tạo ra điện hầu hết đã bị loại bỏ.
Vì không có lò phản ứng đang hoạt động tại nhà máy nên không có nguy cơ xảy ra sự cố chảy lõi nếu một nhà máy đang vận hành bị mất điện và không thể luân chuyển nước qua lò phản ứng. Đây là điều đã xảy ra tại các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, vào năm 2011, khi một trận động đất và sóng thần phá hủy toàn bộ hệ thống điện dự phòng.
Nhưng Chernobyl vẫn tiềm ẩn một số rủi ro khác liên quan đến lượng lớn chất thải hạt nhân.
Như thông lệ trong ngành công nghiệp điện hạt nhân, nhiên liệu lấy ra từ tất cả 4 lò phản ứng Chernobyl trong những năm qua được lưu trữ trong các bể nước có tác dụng tiêu tán nhiệt sinh ra khi nhiên liệu phân hủy phóng xạ.
Khi nhiên liệu mới được lấy ra khỏi lò phản ứng và vẫn còn tính phóng xạ cao, quá trình phân hủy diễn ra mạnh nên phát sinh rất nhiều nhiệt. Vì vậy nhà máy cần nguồn điện để chạy máy bơm tuần hoàn nước lưu trữ, loại bỏ nhiệt dư thừa trong quá trình này.
Nếu nước trong các bể chứa quá nóng và sôi lên, nhiên liệu sẽ tiếp xúc với không khí và có thể bốc cháy.
Nguồn chất thải hạt nhân chính khác, chỉ có ở Chernobyl, là tàn tích của chính lò phản ứng số 4 đã bị phá hủy. Ước tính khoảng 200 tấn nhiên liệu vẫn còn ở đó, trong một hỗn hợp giống như dung nham trộn với bê tông nóng chảy, cát và những hóa chất trút lên lò phản ứng trong thảm họa.
Hỗn hợp có tính phóng xạ cao này được tìm thấy trong toàn bộ những phần còn lại của lò phản ứng, chảy qua các cửa và ống thoát nước, rỏ xuống cầu thang và các bộ phận khác trước khi cứng lại. Một số vật liệu chứa nhiên liệu nhiễm phóng xạ này nằm ở những nơi hoàn toàn không thể tiếp cận.
Trong đống hỗn độn của lò phản ứng Chernobyl bị phá hủy, không có hệ thống làm mát nào nên không bị ảnh hưởng bởi sự cố mất điện. Nhưng những năm gần đây, có thời điểm phản ứng hạt nhân đã diễn ra trong hỗn hợp trên, làm mức phóng xạ tăng đột biến. Chúng đang được theo dõi và sẽ được xử lý trong tương lai.
Nếu không theo dõi cả độ ẩm và bức xạ, nhân viên tại đây sẽ không biết có bất kỳ phản ứng mới nào xảy ra hay không. Một cựu nhân viên am hiểu về điều kiện tại nhà máy cho biết hệ thống thông gió giúp kiểm soát độ ẩm đã ngừng hoạt động.
Kể từ năm 2017, lò phản ứng bị phá hủy trong thảm họa năm 1986 đã được bao phủ bởi một cấu trúc hình vòm lớn, nhằm mục đích cách ly chất thải và chống rò rỉ phóng xạ. Cấu trúc này cũng cho phép giới chức bắt đầu chuyển sang quy trình lưu trữ lâu dài chất thải ở đây - quá trình dự kiến mất nhiều thập kỷ.
Cơ sở này được cấp giấy phép hoạt động bởi chính quyền Ukraine vào năm ngoái, vì vậy công việc chỉ mới bắt đầu. Một số cần cẩu lớn và các thiết bị chuyên dụng khác đã được chuyển đến đây để khởi động quá trình. Không có nguồn điện, hầu như tất cả những công việc đó, sẽ phải dừng lại.
Vũ Hoàng (Theo NY Times)