Lực lượng Nga ngày 24/2 giao tranh dữ dội với Ukraine nhằm giành quyền kiểm soát Chernobyl, nơi đến nay vẫn còn dư lượng phóng xạ của vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới năm 1986.
"Những người lính của chúng tôi đang hy sinh mạng sống của mình để thảm kịch năm 1986 không lặp lại", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky viết trên Twitter trước khi nhà máy điện hạt nhân bị lực lượng Nga kiểm soát.
Nhưng vì sao Nga lại muốn kiểm soát một nhà máy điện đã không còn hoạt động và bị bao quanh bởi hàng nghìn mét vuông đất phóng xạ.
Nguyên nhân là do vị trí chiến lược của Chernobyl nằm trên tuyến đường ngắn nhất từ Belarus đến Kiev, thủ đô Ukraine, và do đó phục vụ đắc lực cho đường tiến công của quân đội Nga.
Theo các nhà phân tích quân sự, khi chiếm Chernobyl, Nga đơn giản là sẽ giành được con đường tấn công nhanh nhất từ Belarus tới Kiev. Belarus là đồng minh thân cận với Nga và là nơi đóng quân của quân đội Nga.
"Đó là con đường ngắn nhất để đi từ A đến B", James Acton từ viện nghiên cứu Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho hay.
Jack Keane, cựu tham mưu trưởng quân đội Mỹ, đánh giá Chernobyl "không có bất kỳ ý nghĩa quân sự nào" nhưng nằm trên tuyến đường ngắn nhất từ Belarus đến Kiev, mục tiêu của chiến lược của Nga.
Keane gọi tuyến đường này là một trong 4 "trục" chính của chiến dịch quân sự Nga triển khai ở Ukraine, trong đó có một tuyến khác cũng từ Belarus, một đường tiến về phía nam vào thành phố Kharkov của Ukraine và một đường đẩy lên phía bắc từ Crimea, phần lãnh thổ Nga sáp nhập từ năm 2014, đến thành phố Kherson.
Chiếm Chernobyl là một phần quan trọng trong chiến lược của Nga và một quan chức cấp cao Ukraine cho biết nó đã bị lực lượng Nga kiểm soát vào hôm qua, dù một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ nói Washington chưa thể xác nhận thông tin này.
Lò phản ứng thứ tư tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, cách thủ đô Kiev của Ukraine 108 km về phía bắc, đã phát nổ vào tháng 4/1986 trong một cuộc thử nghiệm an toàn bất thành, khiến những đám mây phóng xạ cuồn cuộn tràn qua phần lớn châu Âu và kéo tới miền đông nước Mỹ.
Chất phóng xạ stronti, cesium và plutonium chủ yếu ảnh hưởng đến Ukraine và nước láng giềng Belarus, cũng như một số khu vực của Nga và châu Âu. Uớc tính về số người chết trực tiếp và gián tiếp do thảm họa dao động từ mức thấp vài nghìn tới mức cao nhất là 93.000 ca tử vong do ung thư trên toàn cầu.
Thảm họa được cho là một phần nguyên nhân khiến Liên Xô tan rã vài năm sau đó.
"Rõ ràng một sự cố xảy ra ở Chernobyl sẽ tạo ra vấn đề lớn. Nhưng chính vì đây là khu vực hạn chế tiếp cận, nó có thể không ảnh hưởng nhiều đến dân thường Ukraine", Acton nói.
Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc cho biết 4 nhà máy điện hạt nhân đang vận hành của Ukraine vẫn an toàn và không các chất thải còn lại cùng những cơ sở khác tại Chernobyl "không bị ảnh hưởng".
Theo Acton, các lò phản ứng khác của Ukraine không nằm trong vùng hạn chế tiếp cận và chúng chứa nhiên liệu hạt nhân có tính phóng xạ cao hơn rất nhiều. "Rủi ro từ những cuộc giao tranh xung quanh chúng là rất lớn", ông lưu ý.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)