Tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch thường gặp của xã hội hiện đại. Tại Việt Nam, bệnh tăng đáng kể trong thời gần đây và có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa. Theo thống kê, 25% người Việt trưởng thành bị tăng huyết áp. Người trẻ tuổi thường không biết mình bị tăng huyết áp ngay cả khi đã có biến chứng.
ThS.BS. Nghiêm Thị Hồng Hạnh, Bệnh viện mắt Kỹ thuật cao Hà nội (Hitec), cho biết ngoài các biến chứng tại cơ quan đích ở tim, não, thận,... tăng huyết áp còn đặc biệt nguy hiểm bởi những tổn thương trên võng mạc mắt.
Bệnh xảy ra khi mạch máu võng mạc bị tổn thương do tăng huyết áp tiến triển muộn. 1/3 số người có tổn thương mạch máu võng mạc do tăng huyết áp có tổn thương các cơ quan đích khác ở tim, não, thận kèm theo.
Như trường hợp bà Ngân 54 tuổi, ở Mê Linh, Hà Nội thấy mắt phải như có một "màn sương" che trước mắt, chỉ nhìn rõ hơn một chút ở phía thái dương suốt 2 tuần nay. Bà đã đi khám và điều trị một số nơi với chẩn đoán khô mắt, mỏi điều tiết ở bệnh nhân lão thị, nhưng không thấy tình hình cải thiện.
Lần này đến bệnh viện khám, mắt phải thị lực còn 6/10 ở phía thái dương nhưng động mạch võng mạc co nhỏ, kèm theo những nốt xuất huyết cạnh gai thị và rải rác trên võng mạc. Tại thời điểm khám huyết áp của bà cao, với chỉ số 160/85mmHg.
Bệnh nhân được chẩn đoán mắt phải tổn thương võng mạc do tăng huyết áp, cấp đơn thuốc điều trị. Bác sĩ cũng khuyên người bệnh khám thêm chuyên khoa nội tim mạch để được kiểm soát tốt phần "gốc" là huyết áp và thận.
"Nếu không hỏi kỹ tiền sử và khám toàn diện, đặc biệt là việc soi đáy mắt cho người bệnh, bác sĩ có thể bỏ sót bệnh", bác sĩ Hạnh nói, thêm rằng trong trường hợp này, thuốc điều trị tại mắt chỉ là chữa phần "ngọn" để giảm bớt triệu chứng. Tình trạng tại mắt còn có thể tăng nặng nếu bệnh "gốc" không được kiểm soát hiệu quả.
Biến đổi mạch máu võng mạc gồm 4 giai đoạn. Tùy từng giai đoạn và hình thái tổn thương mạch máu võng mạc, người bệnh sẽ có thể xuất hiện các dấu hiệu ở cơ quan thị giác: nhìn mờ thoáng qua hay liên tục do tình trạng co thắt mạch, mất thị trường từng vùng do thiếu máu gai thị hoặc xuất huyết võng mạc, đôi khi người bệnh có thể giảm hoặc mất thị lực hoàn toàn do tắc nhánh hoặc tắc toàn bộ động mạch võng mạc.
Các tổn thương ở võng mạc càng ở giai đoạn nặng thì nguy cơ bị tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, thậm chí tử vong càng cao. Nếu tăng huyết áp được kiểm soát tốt thì tổn thương võng mạc sẽ có thể hồi phục tùy từng mức độ. Một số tổn thương thần kinh thị giác và hoàng điểm ở giai đoạn muộn sẽ vĩnh viễn không hồi phục.
Vì vậy, với người bệnh tăng huyết áp, ngoài việc kiểm soát huyết áp, nên được kiểm tra đáy mắt định kỳ 6 tháng một lần. Soi chụp đáy mắt, khảo sát tình trạng biến đổi mạch máu võng mạc là thủ thuật không xâm lấn, góp phần đánh giá và tiên lượng tình trạng hệ mạch máu toàn thân.
Hiện, với sự ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI), ở những cơ sở y tế chưa có chuyên khoa mắt, các bác sĩ nội tim mạch có thể nhận được những cảnh báo phân tích hình ảnh mạch máu võng mạc thông qua một camera chụp đáy mắt kết hợp phần mềm đọc dữ liệu chỉ sau vài phút. Khi đó, AI trở thành một cánh tay nối dài giúp các bác sĩ nội khoa kiểm soát những tổn thương đáy mắt cho người bệnh có tăng huyết áp.
Lê Nga