TP Hà Nội đang bị ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 (đường kính từ 2,5 micron trở xuống) và bụi PM 10 (dưới 10 micron), không khí ở ngưỡng rất xấu.
Bác sĩ Lê Hoàn, Trưởng Khoa Nội tiết - Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết bụi mịn là thuật ngữ mô tả các hạt lơ lửng trong không khí, có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet (µm). Vì siêu nhỏ, hạt bụi PM2.5 không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Khi nồng độ bụi mịn tăng lên, không khí sẽ mờ đi và tầm nhìn bị giảm trông giống như sương mù.
Các chuyên gia chỉ ra mối nguy sức khỏe nếu con người hít thở bụi mịn lâu ngày:
Bệnh tim mạch
Nghiên cứu của Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London (Anh) cho thấy tiếp xúc bụi mịn làm tăng nguy cơ nhịp tim bất thường và hình thành cục máu đông trong phổi, đặc biệt ở những người cao tuổi.
Công trình khác từ Đại học Trung Nam (Hồ Nam, Trung Quốc) cũng cho thấy ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ huyết áp cao ở trẻ em. Theo đó, những trẻ tiếp xúc thường xuyên với bụi mịn sẽ làm tăng huyết áp tâm thu và cả tâm trương, từ đó dẫn đến cao huyết áp.
Đột quỵ
Bác sĩ Trần Đình Thắng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, miêu tả bụi xâm nhập cơ thể bằng đường hô hấp xuyên qua màng, phế nang mao mạch. Bụi mịn làm tổn thương các tế bào não và tim mạch, tấn công phế nang, vượt qua vách ngăn khí - máu để đi vào hệ tuần hoàn và gây bệnh, ảnh hưởng hệ thống thần kinh, nguy cơ đột quỵ, ảnh hưởng não bộ. Điều nguy hiểm là mọi người hít phải bụi mịn nhưng không thể cảm nhận.
Phó giáo sư Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, dẫn một nghiên cứu tại Anh cho thấy ô nhiễm không khí có thể khiến tim ngừng đập, tăng đột quỵ hay hen suyễn ở cả trẻ em và người lớn. Trong những ngày nồng độ ô nhiễm tăng cao, trung bình có thêm khoảng 124 ca nhập viện vì tim ngừng đập, 193 ca hen suyễn. Các bệnh nhân mắc tình trạng lưu thông của máu bị đình trệ do kỳ tâm thu của tim rối loạn- một trong những nguyên nhân gây đột quỵ. Nghiên cứu cũng cho thấy ô nhiễm không khí cướp đi sinh mạng 36.000 người Anh mỗi năm.
Bệnh hô hấp
Bác sĩ Lê Hoàn cho rằng hệ hô hấp bị ảnh hưởng nặng nhất, ngoài ra còn có da, mắt... Khi vào cơ thể, bụi mịn sẽ xâm nhập vào đường thở, gây tổn thương niêm mạc khí quản, phế quản. Chúng còn đi sâu vào các phế nang, nơi tận cùng của cơ quan trao đổi khí, làm viêm, xơ hóa phế nang dẫn đến nhiều bệnh lý về hô hấp. Nếu tiếp xúc lâu dài, bệnh diễn biến phức tạp, gây các bệnh phổi mạn tính.
Khi tiếp xúc với PM10 và PM2.5, những người bị xoang, viêm mũi có nguy cơ trầm trọng hơn. Viêm mũi xoang là hiện tượng viêm niêm mạc mũi và hệ thống xoang mặt, làm niêm mạc mũi xoang sung huyết, phù nề, các lỗ thông xoang bị tắc không còn chức năng dẫn lưu và vận chuyển niêm dịch. Bệnh thường có biểu hiện hắt xì, ngứa mũi, nghẹt mũi, đau nhức, chảy dịch, điếc mũi, đau ở trán hay hốc mắt, đau tai.
Viêm mũi xoang thường không tự khỏi, sẽ diễn biến thành viêm mũi xoang mạn hoặc gây các biến chứng mắt, thần kinh, thậm chí thận, khớp.
WHO nhận định ô nhiễm không khí là "kẻ giết người thầm lặng". Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, bệnh nhân bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn. Khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp liên quan ô nhiễm không khí.
Để phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo mọi người cần chú ý ăn uống sạch, vệ sinh mũi họng hàng ngày. Đeo khẩu trang khi ra đường để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Hạn chế lưu thông lúc đường đông hay đi vào khu ô nhiễm như khu công nghiệp.
Tăng cường tập thể dục nâng cao sức khỏe, cải thiện sức đề kháng. Bổ sung vitamin, khoáng chất từ rau xanh, trái cây, nước ép... để tăng cường miễn dịch. Có thể sử dụng máy lọc không khí trong gia đình.
Các địa phương cần tăng cường kiểm soát nguồn thải, che chắn các công trình xây dựng để không phát tán bụi ra môi trường. Người dân không đốt rơm rạ, rác, xả chất thải ra ngoài khiến ô nhiễm nghiêm trọng hơn.
Thùy An