Tàu Hải Tuần 31, tàu tuần tra lớn nhất của Trung Quốc, vừa có chuyến tuần tra trên Biển Đông hồi tháng trước. Ảnh: MSA |
Đạo luật mới do tỉnh Hải Nam ban hành, cho phép các tàu của lực lượng hành pháp biển của tỉnh được tiếp cận và lục soát hoặc trục xuất các tàu bè đi vào vùng nước mà họ cho là thuộc chủ quyền. Các chuyên gia bên ngoài nhận định rằng đây là bước đi tiếp theo của Trung Quốc nhằm củng cố quyền kiểm soát với phần lớn Biển Đông, vốn là tuyến đường vận chuyển huyết mạch của quốc tế, chiếm một phần ba sản lượng vận tải thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, quy định này vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng.
Wu Shicun, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Hải Nam, nói rằng các tàu Trung Quốc chỉ được phép lục soát và trục xuất tàu nước ngoài trong trường hợp các tàu này "có các hoạt động bất hợp pháp" và các tàu đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Ông Wu không định nghĩa rõ các hoạt động bất hợp pháp là gì.
Dù Wu khẳng định các bên không có gì phải lo ngại về tự do và an toàn của các tuyến đường hàng hải, quy định này cũng cho thấy rằng Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng các đòi hỏi trên biển, bao gồm hàng chục hòn đảo mà các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền.
Đạo luật mới, được cơ quan lập pháp cấp tỉnh thông qua, ra đời chỉ chưa đầy một tháng sau khi tân Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình nhậm chức, và trong bối cảnh Trung Quốc có tranh chấp với các nước ASEAN trên Biển Đông, với Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
Đạo luật dường như không liên quan trực tiếp đến ông Tập, nhưng lại củng cố những lo ngại rằng Trung Quốc, nước hiện tại đã sở hữu tàu sân bay và một nền hải quân ngày càng lớn mạnh, đang thực hiện những kế hoạch để củng cố các tuyên bố chủ quyền trên nhiều vùng biển.
Theo tờ New York Times, nếu Trung Quốc thi hành đạo luật mới trong phạm vi 12 hải lý, thì các chuyên gia hải quân cho biết tự do hàng hải sẽ bị ảnh hưởng, có lợi cho Trung Quốc, nước nhập khẩu nhiều dầu mỏ từ Trung Đông.
Trong khi ngày càng có nhiều tiếng nói tranh cãi về vai trò của Trung Quốc trên Biển Đông, thì ý nghĩa chính xác của quy định mới chưa được các nhà lãnh đạo cấp cao giải thích. Chỉ có ông Wu nói thêm rằng quy định mới áp dụng cho hàng trăm hòn đảo trải dài trên khắp vùng biển và những vùng nước xung quanh các đảo, bao gồm các đảo mà Việt Nam và Philippines tuyên bố chủ quyền.
"Đạo luật bao gồm tất cả những vùng đất bên trong phạm vi đường 9 đoạn và các vùng biển lân cận", ông Wu nói.
Đường 9 đoạn hay "đường lưỡi bò" được vẽ trong bản đồ của Trung Quốc từ những năm 1940, không dựa trên bất cứ căn cứ pháp lý hay lịch sử nào, bị các nước có liên quan trong tranh chấp phản đối mạnh mẽ.
Philippines đã chỉ trích quy định mới của tỉnh Hải Nam Trung Quốc. "Kế hoạch này của Trung Quốc là bất hợp pháp và sẽ vi phạm các tuyên bố liên tiếp và lặp đi lặp lại của Philippines rằng yêu cầu chủ quyền của Trung Quốc với gần như toàn bộ Biển Đông là một đòi hỏi phi lý và đe dọa an ninh của toàn khu vực", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines đưa ra hôm thứ bảy có đoạn.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng cho biết Manila sẽ kháng nghị ngoại giao chính thức về quy định mới của Trung Quốc, và tuyên bố đạo luật này vi phạm công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển.
Ông Surin Pitsuwan, tổng thư ký ASEAN, bày tỏ sự quan ngại đối với quy định mới của Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. "Đây là việc làm vô cùng nghiêm trọng, làm gia tăng mức độ lo lắng và quan ngại giữa các bên", ông nói.
Vũ Hà (Theo NYT)