Ngày 15/12, ông Thượng nhận định số ca Covid-19 tăng là "khó tránh khỏi", bởi biến chủng EG.5 phổ biến nhất hiện nay đã được ghi nhận tại 89 quốc gia nhưng chưa xuất hiện trên địa bàn thành phố. Theo quy luật, khi một biến chủng virus mới xuất hiện, số ca mắc thường sẽ tăng.
Kết quả giải trình tự gene virus các mẫu bệnh phẩm Covid-19 tại TP HCM 5 tháng qua ghi nhận tất cả đều nhiễm biến chủng của Omicron, gồm các chủng XBB.1.9, XBB.1.16, BA.2.75, BA.2.86.1, chưa có EG.5.
Từ khi Bộ Y tế điều chỉnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A (rất nguy hiểm) sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (nguy hiểm), hôm 19/10 đến nay, các bệnh viện TP HCM chưa ghi nhận ca Covid-19 cần nhập viện điều trị.
Gần đây, nhiều nước Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Malaysia... ghi nhận số ca nhiễm và nhập viện do Covid-19 tăng đột biến. Có nước đang tái áp dụng một số biện pháp phòng chống như lắp máy quét thân nhiệt tại sân bay, kêu gọi người dân đeo khẩu trang, hoãn du lịch trước lo ngại Covid-19 kết hợp cúm và các mầm bệnh đường hô hấp gây đợt dịch rộng hơn, tạo áp lực cho hệ thống y tế.
Tại Việt Nam, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá tình hình Covid-19 vẫn đang được kiểm soát, số ca nhiễm thấp, rải rác tại một số địa phương và phần lớn có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, số nhập viện và số bệnh nhân nặng tại các cơ sở điều trị thấp. Kết quả giám sát tác nhân gây bệnh chưa ghi nhận biến thể mới, bất thường.
Các chuyên gia Việt Nam cho rằng số ca Covid-19 tăng ở nhiều nơi trên thế giới nhưng không đáng lo vì hầu hết người dân đã có miễn dịch, đa số mắc bệnh nhẹ, không nghiêm trọng. Bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, nguyên phó trưởng bộ môn nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng Covid-19 đang giảm dần theo quy luật và "có những đỉnh dội nhỏ". Tuy nhiên, do virus có nhiều biến chủng nên vẫn được tiếp tục giám sát chặt.
"Số ca Covid-19 tăng hiện nay không có gì nguy hiểm lắm, vì đa số người dân đã có miễn dịch, tiêm chủng đủ 2-3 mũi, trừ khi có bệnh nền còn không thì chỉ mắc bệnh nhẹ", PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, nguyên trưởng khoa y tế công cộng, ĐH Y dược TP HCM, nói.
Cùng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, cho rằng việc gia tăng số ca mắc hiện nay là "điều bình thường, không có gì đáng lo", bởi Covid đã trở thành bệnh theo mùa, tương tự cúm. Thực tế tăng ca mắc có thể do nhiều yếu tố như giảm khả năng miễn dịch, tần suất đi lại, tiếp xúc cộng đồng của người dân cao hơn.
Việt Nam đang trong giai đoạn vào mùa đông xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi thất thường, là nguyên nhân xuất hiện và lây lan các dịch bệnh đường hô hấp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm. Đây cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan trên diện rộng.
Theo phó giáo sư Dũng, trên thế giới, thời gian này trong năm là thời điểm lưu hành của cúm mùa cũng như các bệnh đường hô hấp khác như mycoplasma pneumoniae, virus hợp bào hô hấp (RSV), nhiễm virus cảm lạnh (adenovirus)... Đây là những bệnh thường gặp, không gây nhiều nguy hiểm với người bình thường, song có thể diễn tiến nặng và nhiều biến chứng ở người lớn tuổi, người mắc bệnh nền, làm nặng thêm bệnh lý sẵn có.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM tiếp tục phối hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) giám sát ca bệnh, giám sát các biến chủng Covid-19 lồng ghép tác nhân viêm hô hấp tính. Bệnh viện chẩn đoán, phát hiện trường hợp mắc Covid-19 trên bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao để điều trị phù hợp, giảm thấp nhất nguy cơ biến chứng hoặc tử vong, phân luồng điều trị khi cần để tránh lây nhiễm chéo.
Ông Thượng khuyến cáo người dân khi có triệu chứng hô hấp cấp tính (sốt, ho khó thở,....) nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người khác, đặc biệt là người cao tuổi hoặc có bệnh nền. Người cao tuổi, người có bệnh nền nặng như tiểu đường, tim mạch, những người có bệnh lý suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai nên làm xét nghiệm sớm và tiêm vaccine phòng ngừa cúm, viêm phổi để chủ động phòng ngừa các bệnh lý hô hấp khác.
Thường xuyên theo dõi thông tin tình hình dịch trên thế giới. Những người từ các nước đang có số ca mắc tăng đến Việt Nam nên tự theo dõi sức khỏe, đeo khẩu trang. Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Người trở về Việt Nam tự theo dõi sức khỏe, hạn chế tiếp xúc người thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh nặng như người cao tuổi, người có bệnh nền nặng như tiểu đường, tim mạch, người có bệnh lý suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai.
Dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy số ca mắc mới và tử vong trên toàn cầu tiếp tục giảm so với giai đoạn trước đó. Một biến chủng của Omicron là BA.2.86 đã được WHO nâng cấp từ nhóm Biến chủng giám sát (VUM) lên thành Biến chủng được quan tâm (VOI). Đến nay, WHO đang theo dõi 4 biến chủng VOI, gồm XBB.1.5, XBB.1.16, EG.5 và BA.2.86.
Lê Phương