Nội dung này thể hiện trong Quyết định do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký ngày 19/10. Bệnh truyền nhiễm nhóm A là bệnh đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng, tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Nhóm B là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh, có thể gây tử vong. Cùng nhóm B còn có bệnh cúm, sởi, sốt xuất huyết, lao phổi...
Từ khi Covid xuất hiện nội địa vào đầu năm 2019, Chính phủ đưa bệnh này vào nhóm A và tuyên bố tình trạng khẩn cấp, triển khai các biện pháp chống dịch.
Sau ba năm dịch bùng phát, hiện cuộc sống đã "bình thường hóa mới". Từ đầu năm 2023 đến nay, số ca nhiễm Covid giảm 12 lần so với năm 2021 và 68 lần so với 2022. Tỷ lệ tử vong do Covid còn 0,02%, tương đương hoặc thấp hơn một số bệnh phổ biến tại Việt Nam 5 năm gần đây như sốt xuất huyết, sốt rét, bạch hầu, ho gà. Tác nhân gây Covid đã được xác định rõ.
Tháng 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Covid tại Việt Nam không còn là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm nhóm A. Bộ Y tế hoàn thiện kế hoạch kiểm soát bền vững Covid đến năm 2025, sẵn sàng điều kiện ứng phó với đại dịch khác có thể xảy ra hoặc Covid quay lại. Công tác tiêm vaccine phòng Covid tiếp tục phù hợp với tình hình, trong đó nghiên cứu tiêm hàng năm trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Như vậy, hiện Covid không còn đáp ứng tiêu chí nhóm cực kỳ nguy hiểm, đồng nghĩa được xem như bệnh lưu hành thông thường.
Việc Covid là bệnh thông thường kéo theo nhiều thay đổi trong chính sách chống dịch. Cùng ngày, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng ký quyết định sửa đổi phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm. Cụ thể, bổ sung nhóm, thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới đối với bệnh Covid-19.
Theo đó, bệnh Covid-19 thuộc nhóm B, thời gian ủ bệnh trung bình là 4 ngày, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới là 8 ngày. Trước đó, theo quy định thời gian ủ bệnh trung bình là 14 ngày và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc mới đối với bệnh là 28 ngày.
Bộ Y tế cho rằng giảm thời gian ủ bệnh và không phát hiện ca nhiễm mới dựa trên căn cứ khoa học, tình hình dịch bệnh hiện nay và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ.
Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A được điều trị miễn phí. Từ khi Covid-19 xuất hiện vào cuối năm 2019 đến nay, người mắc bệnh này được điều trị miễn phí trừ các chi phí điều trị bệnh nền kèm theo. Khi giảm cấp độ bệnh xuống nhóm B, người mắc Covid-19 không còn được điều trị miễn phí như trước.
Bốn năm qua, Việt Nam đã trải qua bốn đợt dịch Covid, ghi nhận hơn 11,6 triệu ca, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn 43.000 người đã tử vong do bệnh này, tỷ lệ 0,4% tổng số ca nhiễm.
Việt Nam đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vaccine phòng bệnh.