Ông Vượng giải thích, 15 thực tập sinh ngành hộ lý của Công ty Xuất khẩu lao động Hoàng Long CMS đăng ký dự kỳ thi năng lực tiếng Nhật NAT-Test vào tháng 12 đã phải tạm hoãn chờ thông báo mới. Theo quy trình, các em phải lấy chứng chỉ N4 mới được làm hồ sơ xuất cảnh sang Nhật Bản.
Từ năm 2018, Việt Nam bắt đầu phái cử thực tập sinh hộ lý đi làm việc tại Nhật với hàng nghìn người mỗi năm. Lao động phải qua đào tạo và có chứng chỉ N4 tiếng Nhật trở lên thì mới được làm hồ sơ xuất cảnh. Người đi thường lấy chứng chỉ thông qua các kỳ thi năng lực tiếng Nhật NAT-Test (tổ chức vào các tháng chẵn) và kỳ thi năng lực Nhật ngữ JLPT (một năm hai lần tháng 7 và tháng 12).
Tuy nhiên, các học viên chịu tác động sau khi hàng loạt đơn vị dừng kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để hoàn thiện hồ sơ, sau công văn hôm 8/11 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ban tổ chức kỳ thi NAT-Test tại Hà Nội thông báo tạm hoãn cho đến tháng 2 năm sau. Kỳ thi JLPT vào đầu tháng 12 chưa công bố thông tin.
Đánh giá về việc siết tổ chức thi để nâng chất lượng, ông Vượng cho rằng cần thiết, song mỗi chứng chỉ sẽ phù hợp với yêu cầu từng nhóm riêng. Các kỳ thi như NAT-Test, J-Test mức độ kiến thức cơ bản, phù hợp với trình độ lao động đi làm việc ở nước ngoài, không yêu cầu cao như JLPT. Nếu ngành giáo dục siết quá chặt, yêu cầu cao như thi lấy chứng chỉ tiếng Anh thì các cơ sở khó đáp ứng.
Với lao động các ngành nghề khác không yêu cầu chứng chỉ, Công ty Hoàng Long CMS vẫn khuyến khích thi lấy N4 tiếng Nhật sau khi hoàn thành khóa đào tạo ngoại ngữ 6 tháng trước khi đi làm việc. Bởi có chứng chỉ rồi sẽ thôi thúc thực tập sinh trong 3 năm làm việc ở Nhật Bản có thể thi lên các bậc cao hơn, chế độ lương thưởng, phúc lợi tốt hơn là không có bằng cấp.
Ông Vượng phân tích từ lúc lấy được chứng chỉ tới khi xuất cảnh phải mất khoảng 4 tháng để hoàn tất thủ tục. Chưa thi được chứng chỉ đồng nghĩa các khâu phía sau đều bị ách lại. Doanh nghiệp lẫn người lao động sốt ruột nhưng cũng chỉ biết chờ đợi thông báo mới từ cơ quan quản lý.
Việc dừng thi chứng chỉ đột ngột ngoài ảnh hưởng du học sinh, còn tác động lớn tâm lý lao động xuất khẩu, đặc biệt ngành điều dưỡng sau hai năm vừa học vừa chờ hết dịch là nhận định của ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó giám đốc Công ty TNHH Esuhai, doanh nghiệp mỗi năm đưa khoảng 12.000 lao động đi Nhật Bản.
Theo ông Lanh, công ty thường hướng học viên tới kỳ thi JLPT và mỗi năm có cả nghìn em tham gia lấy chứng chỉ. Học viên ngành chăm sóc sức khỏe nếu không đậu vào tháng 12 tới sẽ phải đợi tháng 7 năm sau, nghĩa là sẽ chậm thêm gần một năm. Họ cũng khó chuyển sang NAT-Test bởi kỳ thi này đang tạm hoãn.
Dù không bắt buộc có chứng chỉ mới được đi, nhiều lao động ngành nghề khác cũng rơi vào cảnh chờ đợi khi kỳ thi tiếng Nhật vào tháng 12 bị hoãn. Chị Kim Hoa, phụ trách tuyển dụng doanh nghiệp đưa lao động đi Nhật trong ngành cơ khí công xưởng, cho hay khoảng 10 học viên chưa thể thi lấy chứng chỉ N5 dù đã hoàn tất đăng ký. Để khuyến khích lao động nâng cao trình độ, công ty này yêu cầu học viên đăng ký dự kỳ thi năng lực tiếng Nhật NAT-Test và JLPT.
Xuất khẩu lao động gần như đóng băng sau hai năm đại dịch khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, hoạt động cầm chừng. Thị trường Nhật Bản vừa mở cửa trở lại thì gặp việc dừng thi chứng chỉ khiến nhiều lao động có thể không chờ đợi đến kỳ thi năm sau. Vì thế, lãnh đạo doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan sớm mở lại kỳ thi cấp chứng chỉ để đảm bảo quyền lợi người lao động.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Cục phó Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho hay với lao động đi Nhật Bản, tùy từng ngành nghề, công ty đối tác có yêu cầu chứng chỉ hay không thì bị ảnh hưởng, còn lại phần lớn không yêu cầu nên việc đưa đi diễn ra bình thường.
Riêng lao động đi Hàn Quốc theo chương trình EPS không bị ảnh hưởng bởi kỳ thi do Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) tổ chức. Việc ra đề, chấm thi do cơ quan này thực hiện, đề thi được vận chuyển từ Hàn Quốc sang Việt Nam. 90% lao động đi Hàn Quốc đều thông qua chương trình này.
Hơn 600.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đặt mục tiêu mỗi năm duy trì khoảng 100.000 người đi, tăng dần lao động có tay nghề cao.
Hồng Chiêu