Tôi thường không thích nghĩ về hạnh phúc, bởi vì tôi chỉ nghĩ tới khái niệm này khi tôi cảm thấy mình không hạnh phúc hay là nhìn thấy người khác có vẻ không hạnh phúc.
Nhưng hôm nay thì tôi dành ra một khoảng thời gian lúc đang lái xe tới chỗ làm để nghĩ về hạnh phúc. Nguyên nhân là bởi vì vụ ly hôn đình đám của ông bà chủ đã tạo lập ra thương hiệu Trung Nguyên cùng những quan điểm trái chiều về đồng tiền và hạnh phúc.
Tôi lớn lên vào những năm 80. Lúc đó thì ai cũng như nhau, nhiều lúc đói. Mẹ tôi nói lúc 5 tuổi tôi phải vào bệnh viện, gặp một cậu bé cầm theo ổ bánh mì mà tôi cứ đi theo nhìn chằm chằm. Lúc học lớp 2 tôi bị một cậu bé học lớp 3 qua giật lấy bịch nước đá me, hai đứa đánh nhau và phần thua thuộc về tôi.
Một ký ức hạnh phúc của tôi thuở nhỏ là vào năm 10 tuổi. Lúc đó ba mẹ tôi đã mở được một hàng bán cà phê, mới có được chút đồng ra đồng vào. Một buổi sáng chủ nhật, lúc thức dậy tôi thấy ba tôi bưng một tô hủ tiếu vào cho tôi và em, hai đứa trẻ ríu rít ăn uống, thật sự rất vui vẻ.
Ở chiều khác, có một cuộc nghiên cứu ở Mỹ về tiền bạc và hạnh phúc. Kết quả nói là, so với mức trung bình ở Mỹ thì mức độ hạnh phúc sẽ tăng lên khi người ta kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng nó sẽ dừng lại ở con số 75.000 USD mỗi năm. Trung bình mà nói thì đối với một cá nhân ở Mỹ, mức đó là đủ để có nhà đủ rộng, xe hơi tốt, ăn ngon mặc đẹp, được chăm sóc sức khỏe, đủ để giải trí vui chơi và đi du lịch, và sau cùng là để dành được một ít. Còn nếu bạn ở San Francisco hay New York thì khác, mấy chỗ đó rất đắt đỏ.
>> Tôi ước ông Nguyên Vũ và bà Diệp Thảo ôm chặt nhau
Tất nhiên là người kiếm được 40.000 USD cũng có thể hạnh phúc hơn người kiếm được 75.000 USD. Thật khó hạnh phúc nếu bạn bị đau ốm kinh niên, đang gặp chuyện tang ma trong gia đình, hay là đang thất tình, cho dù thu nhập vẫn ổn. Ở chiều ngược lại, nếu bạn ở Mỹ mà mỗi năm chỉ kiếm được 5000 USD mà không có ai phụ giúp thêm gì thì chắc là khó sống nổi, đừng nói gì tới hạnh phúc.
Gần đây trên VnExpress có một câu chuyện về người phụ nữ Anh bỏ nghề luật sư để làm nghề chăm sóc người già với thu nhập 160 bảng mỗi tuần. Cô ấy rất hạnh phúc vì có thời gian để chăm con, đi làm gần nhà, không phải trả tiền cho người khác chăm con, dù là phải tiết kiệm hơn. Bao nhiều người vào khen nức nở mà không nghĩ tới chuyện gia đình cô ấy thực sự sống thế nào?
Câu chuyện ấy kể rằng chồng cô ấy là một nhà khoa học ở London và chắc anh ấy cũng có thu nhập tốt. Hay là gia đình cô ấy còn có các khoản thu nhập khác. Chứ không thì số tiền 160 bảng mỗi tuần chắc cũng chả đủ cho một gia đình 4 người mua thức ăn, đừng nói gì tới cuộc sống đắt đỏ ở London. Đó là còn chưa kể tới chuyện Anh có hệ thống chăm sóc sức khỏe miễn phí cho mọi công dân, chứ ở Mỹ thì chỉ riêng việc kiếm bảo hiểm y tế không cũng khổ, đừng nói tới Việt Nam. Vì vậy, để có thể chấp nhận "sống nghèo" mà hạnh phúc hơn "sống giàu", người ta cũng phải có một cái nền tảng giàu có, ít nhất cũng là sống trong một xã hội giàu có.
Mối liên quan lớn nhất giữa tiền và hạnh phúc thường nằm đâu đó ở ngưỡng nghèo khổ. Đối với đa phần con người, nếu không có đủ ăn đủ mặc thì hạnh phúc quả là rất khó. Còn có nhiều tiền thì cũng không đảm bảo được hạnh phúc.
Giáo lý đạo Phật nói rằng đời là bể khổ, đau khổ con người là do ham muốn mà ra. Vì vậy có người giã từ của cải địa vị để đi tu và thành chánh quả như thái tử Tất Đạt Đa.
Nhưng đó là mấy ngàn năm trước, còn bây giờ thì ông chủ Trung Nguyên đi tu năm năm ngồi thiền 49 ngày, giờ quấn khăn rằn xách giỏ vải đứng giữa tòa tranh cãi với vợ, thật khó biết thế nào là hạnh phúc.
Mối quan hệ giữa hạnh phúc và tiền bạc vì vậy khá tương đối, nhưng hạnh phúc mới là tương đối nhất. Chữ hạnh phúc có trong nhiều ngôn ngữ, ai cũng biết nó là cái gì, nhưng nếu bạn hỏi định nghĩa của hạnh phúc thì có lẽ chỉ là chuyện chín người mười ý. Vì vậy nên tôi lại thôi, không nghĩ về hạnh phúc nữa.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.