Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gửi phái đoàn đến Trung Quốc điều tra nguồn gốc của nCoV, song nhiều nhà khoa học cho rằng việc tìm kiếm sẽ mất nhiều năm và chưa chắc cho kết quả.
Trước đó, giới chuyên gia dường như đồng tình với ý tưởng Covid-19 bắt nguồn từ dơi, lây qua vật chủ trung gian khác, biến chủng, cuối cùng truyền sang người và lưu hành trong cộng đồng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu sau đó chứng minh điều này chưa hẳn chính xác. Trong khi việc tìm về nguồn gốc của virus có thể là bất khả thi, các nhà khoa học vẫn nỗ lực xây dựng các giả thuyết chắc chắn hơn, theo David Heymann, Giáo sư dịch tễ và bệnh truyền nhiễm, Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London.
"Các giả thuyết này sẽ phục vụ nghiên cứu trong tương lai, định hướng những gì mà giới khoa học cần tập trung tìm hiểu", ông nói.
Về cơ bản, xác định loại động vật tương thích với nCoV là cách trực tiếp nhất để truy về nguồn gốc của của virus. Nhưng chiến lược này không có lợi về mặt thời gian.
"Có thể virus không còn lưu hành trên động vật đó nữa. Khả năng nó đã chuyển hẳn sang người và đây mới là giống loài chính nó lây lan hiện tại", Wanda Markotter, giám đốc Trung tâm Viral Zoonoses, Đại học Pretoria, Nam Phi, cho biết.
Ngay cả ở dơi, virus cũng chỉ xuất hiện một số mùa nhất định, khiến chúng dễ bị "bỏ sót" trong các công trình nghiên cứu diễn ra một lần duy nhất.
Giả thuyết ban đầu cho rằng nCoV truyền sang người từ một loại động vật ở chợ hải sản Hoa Nam, Vũ Hán, nơi ghi nhận các bệnh nhân đầu tiên. Tuy nhiên, mối nghi ngờ dấy lên sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cho biết họ không tìm thấy virus trong các mẫu thử ở động vật được bày bán tại chợ.
Chuyến đi đến Trung Quốc lần này, phái đoàn của WHO sẽ kiểm định lại thông tin nêu trên.
"Dữ liệu đó cần được công bố trên các phương tiện đại chúng, để mọi người có thể hiểu được nó có ý nghĩa gì. Tôi không nghi ngờ bất cứ ai đang cố che đậy sự thật, tôi chỉ nghĩ đó chưa phải dữ liệu chính xác nhất", ông Markotter nói.
Theo Giáo sư Gavin Smith, khoa bệnh truyền nhiễm mới nổi, Trường Y khoa Duke-NUS, Singapore, để truy về nguồn gốc động vật mang nCoV, các nhà khoa học sẽ phải phân tích mẫu thịt lấy từ chợ Hoa Nam trong vòng 6 đến 12 tháng trước khi dịch bệnh bùng phát.
Tổ chức Thú y Thế giới cho biết chuyên gia Trung Quốc đã thử nghiệm các mẫu động vật được lưu trữ từ năm ngoái, tại nhiều địa điểm khác nhau, bao gồm gia cầm, chó, mèo, lợn... Họ phát hiện virus corona ở tê tê, song chủng này không đủ gần để được coi là tổ tiên của nCoV. Sau đó, các nhà khoa học tiếp tục nghi ngờ dơi móng ngựa là nguồn cơn cho đại dịch. Tuy nhiên, một lần nữa, mẫu virus được chứng minh không thể là tiền thân trực tiếp của nCoV.
Thách thức khác của công tác truy nguồn gốc Covid-19 là đến nay, vẫn chưa tìm ra "bệnh nhân số 0". Bên cạnh đó, những trường hợp nhập viện đầu tiên ở Vũ Hán là vào tháng 12, trong khi các nhà khoa học từng chỉ ra rằng virus đã ngấm ngầm lây lan ở người từ đầu mùa thu.
Chuyên gia Trung Quốc cho rằng nghiên cứu về vấn đề này nên được thực hiện ở nhiều quốc gia. Họ đề xuất xét nghiệm các mẫu máu lưu trữ từ nhiều tháng trước khi dịch bùng phát để tìm kháng thể, nhằm biết được virus đã lưu hành ở khu vực nào. Đây là biện pháp từng được sử dụng trong nghiên cứu HIV ở châu Phi.
Thục Linh (Theo SCMP)