Hàng loạt vụ tấn công tình dục, được cho là do các thanh niên tị nạn từ Trung Đông và Bắc Phi thực hiện, xảy ra vào đúng đêm giao thừa ở thành phố Cologne, đã kích động một làn sóng giận dữ trên khắp nước Đức. Đến nay, có tới hơn 300 phụ nữ trình báo họ là nạn nhân của các vụ quấy rối kể trên. Con số có khả năng sẽ tiếp tục tăng, theo BBC. Điều này khiến không ít người phải đặt câu hỏi nguyên nhân nào dẫn tới sự việc lần này và vì sao nó lại có thể diễn ra với quy mô lớn như vậy.
Điểm đen náo loạn
Người dân thành phố cho biết khu vực xung quanh Nhà thờ Cologne từ lâu đã được biết đến như một địa điểm nguy hiểm, thường xuyên xảy ra nạn móc túi, trộm cắp. Nơi đây vào dịp năm mới thu hút hàng nghìn người tới mỗi ngày. Cảnh hỗn loạn hình thành nên từ sự kết hợp của những đám đông kích động, rượu bia, chất kích thích và pháo hoa tại đây khiến nhà chức trách phải đau đầu tìm cách giải quyết suốt nhiều năm qua.
Theo báo cáo, nhiều kẻ tấn công đã sử dụng chiêu đánh lạc hướng quen thuộc là tìm cách nhảy với các nạn nhân sau đó thực hiện hành vi quấy rối.
Một cô gái người Anh, 17 tuổi, cùng bạn trai của mình nằm trong số những du khách nước ngoài tới Cologne để chào đón thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới. Cô miêu tả quang cảnh bên ngoài nhà ga trung tâm Koln Hauptbahnhof của Cologne vào khoảng 22 h hôm đó không khác gì một bãi chiến trường. Đâu đâu cũng thấy người say xỉn đi lại chếnh choáng, nôn ọe, thậm chí ngất lịm bên hè phố. Mảnh vỡ chai rượu thì rải đầy mặt đường.
Lực lượng cảnh sát liên tục phải giải quyết các vụ xô xát, trong khi đó, có một đám đông lớn chặn đứng lối ra của nhà ga.
"Chúng tôi nghe thấy tiếng một phụ nữ la hét, khóc lóc giữa đám đông. Người này dường như đang chạy khỏi một nhóm đàn ông đuổi theo phía sau", cô gái kể. "Sau đó, chúng tôi thấy hai người đàn ông khác ép những người phụ nữ vào góc nhà thờ rồi sờ soạng họ".
"Pháo hoa chỉ càng làm cho cảnh hỗn loạn trở nên tồi tệ hơn mà thôi", cô nói.
Khi trở lại đây vào khoảng 2h sáng, cô nhận thấy "không khí thậm chí còn kinh khủng hơn trước" với nhiều đám đánh nhau và "chai rượu rỗng bị ném lung tung".
Cảnh sát bất lực
Các nhân chứng cho hay nhân viên cảnh sát ở Cologne dường như bị bất ngờ và choáng ngợp bởi những cuộc tấn công.
Ông Rainer Wendt, lãnh đạo Liên đoàn Cảnh sát Đức, giải thích nguyên nhân đơn giản là vì không có đủ cảnh sát triển khai tới khu vực.
Một báo cáo nội bộ của cảnh sát quốc gia thì cho rằng cơ quan an ninh "không kịp xử lý" do số vụ tấn công quá lớn .
Tuy nhiên, cảnh sát trưởng Cologne Wolfgang Albers khẳng định lực lượng cảnh sát đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, với hơn 70 sĩ quan đóng chốt tại nhà ga cùng khoảng 140 nhân viên cảnh sát khác đứng gác tại khu vực nhà thờ và trung tâm thành phố.
Dù vậy, có một sự thật rõ ràng là cảnh sát đã thất bại trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công, cây bút Jasmine Coleman từ BBC bình luận.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere đổ lỗi cho cảnh sát vì quá bị động trong hoàn cảnh đó. Gần hai tuần sau, nhà chức trách mới xác định được 22 nghi phạm, trong khi theo một số báo cáo, có tới hàng trăm người tham gia vụ tấn công.
Bất đồng văn hóa
Sau khi thông tin về việc những kẻ tấn công chủ yếu là nam giới người Arab và Bắc Phi được công bố, các nhà hoạt động chống nhập cư ngay lập tức lấy đó để làm ví dụ cho thấy sự thất bại trong chính sách tị nạn của chính phủ Đức. Một số người còn cho rằng, sở dĩ tình trạng này xuất hiện là do sự khác biệt giữa văn hóa của những người nhập cư và các chuẩn mực của nước Đức.
Theo phóng viên gốc Pakistan Shamil Shams từ tờ DW, làn sóng nhập cư ồ ạt đã phá vỡ sự hài hòa và cân bằng trong xã hội Đức bởi văn hóa Hồi giáo và những quy chuẩn châu Âu thiếu sự tương đồng.
"Ở Pakistan, nơi tôi sinh ra, tình trạng tương tự thường xuyên xảy ra. Đàn ông không bao giờ cảm thấy có lỗi hay hối hận về cách mà họ đối xử với phụ nữ", Shams nói. "Những người đàn ông quấy rối các cô gái ở Cologne không hề mất trí. Họ biết mình đang làm gì".
Thay đổi thái độ
Sau chuỗi các vụ tấn công, thị trưởng Cologne Henriette Reker bị chỉ trích gay gắt khi lên tiếng kêu gọi phụ nữ áp dụng quy tắc giữ khoảng cách "một cánh tay" đối với người lạ.
"Những kẻ tấn công phải chịu trách nhiệm chứ không phải những người phụ nữ", Bộ trưởng Tư pháp Heiko Maas đăng tải trên mạng xã hội Twitter.
Bên cạnh đó, nạn tấn công tình dục không chỉ xảy ra ở Cologne mà nó còn xuất hiện ở những nơi khác như Hamburg hay Stuttgart.
Theo Irmgard Kopetzky từ trung tâm khủng hoảng cưỡng bức ở Cologne, Đức, cần phải hành động tích cực hơn nữa để nâng cao nhận thức của công chúng về nạn quấy rối và tấn công tình dục.
"Các nhóm hoạt động vì phụ nữ như tổ chức của chúng tôi đã làm hết những gì có thể trong thời gian qua nhưng rất nhiều người vẫn chỉ nhận ra vấn đề khi cá nhân họ bị ảnh hưởng", bà Kopetzky nói.
Trong khi đó, bà Barbara Steffens, Bộ trưởng Bình đẳng giới ở Bắc Rhine-Westphalia, cho rằng xã hội cần phải nhận thức rõ ràng hơn về những vấn đề mà phụ nữ đang phải đối mặt hàng ngày, cũng như "lên án việc nam giới lạm dụng quyền lực".
"Chúng ta phải hành động, để xây dựng một văn hóa tôn trọng thực sự", bà Steffens nhấn mạnh.
Vũ Hoàng