Trong căn nhà cấp bốn ở nhờ người anh chồng cùng cha khác mẹ phía gần cuối hẻm 1172 đường 30/4 phường 11, thành phố Vũng Tàu, chị Biển ngồi bóp chân cho người chồng bại liệt nửa dưới thân người. Gần 30 năm qua, chị vẫn làm công việc này bằng tất cả tình yêu thương thủy chung của người vợ. Chị không kể về những ngày khó nhọc nâng đỡ vệ sinh, tắm rửa cho chồng mà nhớ về những hạnh phúc nhỏ nhoi.
Trên chiếc giường cũ kỹ kê giữa nhà, do nằm lâu không cử động, bụng anh Uy ngày một trướng to, hai chân phù nề tê nhức do máu không lưu thông. Đêm nào chị Biển cũng bóp chân cho chồng, rồi nằm cạnh thủ thỉ động viên. Người vợ vẫn nhớ hình ảnh ngày anh mới từ đơn vị trở về mặc bộ quân phục màu cỏ úa ngồi trên xe lăn đã làm chị xúc động ứa nước mắt. Chính những câu chuyện quá khứ đầy ắp kỷ niệm đẹp đẽ ấy đã xoa dịu cơn đau mà anh Uy chịu đựng mấy chục năm qua.
Chồng chị, anh Nguyễn Văn Uy nguyên là thanh niên xung phong trong Chiến dịch Biên giới phía Bắc năm 1979-1981. Sau những năm tháng hoàn thành nhiệm vụ “giữ đất trồng rừng” ở Móng Cái, anh Uy trở về địa phương rồi lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 234 thuộc Quân đoàn 3 đóng quân ở Thái Nguyên. Một lần anh cùng 4 đồng đội dựng nhà cho bộ đội ở thì bị tai nạn. Toàn bộ khối gỗ, ngói trên mái đổ ập xuống đầu khiến anh ngất tại chỗ. Đồng đội đưa anh vào viện cấp cứu. Anh bị chấn thương não, liệt hai chi dưới. Từ năm 1981-1985, anh Uy điều trị ở các bệnh viện quân đội. Năm 1986, anh xuất ngũ với thương tật mất vĩnh viễn 61% sức khỏe.
“Lúc đó, tôi cảm thấy như người đã chết, trước mắt là tương lai mù mịt. Nói thật tôi đã nghĩ đến cái chết. Gặp được nhà tôi bây giờ, tôi cũng không nghĩ bà ấy lại lấy tôi. Chính trái tim nhân hậu của bà ấy đã sưởi ấm trái tim tôi, thức tỉnh tôi cần phải sống để chiến đấu với bệnh tật, giành giật sự sống cho mình”, anh Uy chia sẻ.
Năm ấy, mặc cho bố mẹ can ngăn, bạn bè cản trở, trái tim chị rung động trước đôi mắt cương nghị của người lính. Ngày đám cưới của họ, đông đảo bạn bè đến chúc mừng. Nhìn cô dâu hạnh phúc đẩy chồng ngồi trên xe lăn, nhiều người cảm động rơi nước mắt. Họ khâm phục tình yêu chị dành cho anh, nhưng không ít người nhìn chị với ánh mắt ái ngại xót xa. Có người bạo miệng “Con Biển đẹp đẽ mà lấy thằng què. Người lành lấy người què khác gì đôi đũa lệch”. Ngày vui nhất của cuộc đời cũng là ngày chị ngậm ngùi nước mắt. Không phải chị khóc vì bạn bè chê chị lấy chồng què, mà khóc vì tình yêu sâu đậm anh dành cho chị. “Tình yêu là phép nhiệm màu, tất cả khó khăn sẽ vượt qua”, chị tâm niệm.
![Đêm nào chị Biển cũng thức bóp chân cho người chồng bại liệt, MT](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/04/06/anh-1-JPG-2951-1428285526.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ftMdXL0_5HNJULyHLHCZ1A)
Đêm nào chị Biển cũng thức bóp chân cho chồng. Ảnh: MT
Ngày cưới cũng là ngày bắt đầu một cuộc sống mới của họ. Tổ ấm của Uy - Biển là căn nhà cấp bốn ở giữa cánh đồng của người anh chồng cùng cha khác mẹ cho mượn. Không đứng được nhưng anh vẫn có thể ngồi trên xe lăn nhặt cho vợ bó rau, quét cái nhà, phơi quần áo. Chị là trụ cột chính của gia đình về kinh tế và chỗ dựa tinh thần vững chắc để anh Uy vượt qua bệnh tật. Con trai đầu lòng rồi cô con gái chào đời, hạnh phúc trọn vẹn hơn trong căn nhà nhỏ.
Theo chế độ thương tật của nhà nước năm 1987, anh Uy được hưởng 38.000 đồng và 13 kg gạo một tháng. Với số tiền và gạo ấy, chỉ ăn còn chưa đủ lấy gì mua sữa cho con, chữa bệnh tật cho anh Uy. Không chịu cảnh con đói cơm, thất học, chị Biển lao vào công việc mưu sinh. Ban ngày để con ở nhà cho chồng giữ, chị đi gánh nước thuê, lượm ve chai ngày kiếm tiền đong gạo. Có hôm đi gánh nước thuê về đến nhà thấy chồng nằm lăn dưới đất, hai đứa con nhìn bố khóc nghẹn. Hỏi mới biết anh Uy với ly nước cho con uống, chẳng may bị té xuống đất, hai đứa nhỏ không sao đỡ bố lên xe lăn được đành khóc chờ mẹ về. Chị vội bế chồng lên xe lăn, dỗ hai con nín rồi lo bữa tối cho cả gia đình.
Năm 2004, anh Uy phát thêm bệnh lao não không ngồi xe lăn được phải nằm một chỗ. Gánh nặng chăm sóc chồng đè nặng lên đôi vai chị. Nếu trước đây chị bế chồng lên xe lăn, rồi anh tự lăn xe, tự ăn, tự uống thì nay chị phải làm tất cả từ thay quần áo, tắm rửa, đút cho anh ăn, cực nhất là giúp chồng đi vệ sinh. Công việc “bất đắc dĩ” ấy đã 11 năm qua, dẫu nhọc nhằn nhưng chưa bao giờ chị Biển than phiền.
“Gặp hoàn cảnh như tôi ai cũng làm vậy thôi. Việc làm xuất phát từ tình yêu, tình người thì dù bẩn, khổ, khó mấy cũng làm được, tôi chẳng ngại gì cả”, chị Biển cho biết.
Khi hỏi có ân hận vì lấy một người bại liệt, chị Biển không ngần ngại: “Thiệt thòi thì có nhưng ân hận thì không. Tôi thương thì lấy, sướng khổ mình chịu, đâu phải nhà cao cửa rộng mới có hạnh phúc”.
Theo bà Lê Thị Hòa, Tổ trưởng khu phố 4, phường 11 Vũng Tàu, vợ chồng anh Uy chị Biển là một trong những gia đình đình có hoàn cảnh khó khăn nhất khu phố. "Chúng tôi mong thành phố tạo điều kiện để anh Uy có một căn nhà riêng”, bà Hòa nói. Chị Biển ngân ngấn nước mắt nhìn chồng tìm niềm an ủi: “Ước mơ lớn nhất của tôi bây giờ là có một mái nhà của riêng mình. Lỡ mai kia anh Uy không còn nữa cũng có chỗ để ba mẹ nương thân”.
Mạnh Tuấn