Bất kỳ ai cũng sẽ có rác thải. Việc xử lý rác thế nào là một vấn đề rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng tới cuộc sống của từng người và của cả xã hội. Chuyện người Việt vứt rác lung tung đã được nêu ra từ hàng chục năm nay nhưng dường như nó không giảm đi mà chỉ tăng lên, thậm chí là các loại rác càng lúc càng đa dạng.
Thú vị nhất là thái độ của người Việt đối với cách người dân nước khác đối phó với rác. Giao thừa ở Quảng trường Thời đại tại New York (Mỹ) vừa kết thúc với 56 tấn rác được thải ra bởi 2 triệu con người. Có hai trường phái, những người phân bua rằng rác đó là do pháo giấy chứ không phải rác sinh hoạt, và một trường phái khoái chí chỉ ra rằng trong đó cũng có một ít bọc ni lông, bắp rang bơ, và người Mỹ cũng xả rác như người Việt...
>> Xả rác bừa bãi ở phố đi bộ Nguyễn Huệ: Ý thức kém hay do thiếu thùng rác?
Cái rõ ràng là rác được vứt ở đâu thì người ở đó sẽ là kẻ đứng trong bãi rác. Khi rác được vứt ở New York thì tôi và bạn, những người không ra Quảng trường Thời đại mừng năm mới cũng chả ảnh hưởng gì. Nhưng nếu bạn có ra hồ Hoàn Kiếm mừng năm mới và được ở chung với rác hôm ấy thì tất nhiên bạn có bị ảnh hưởng bởi việc xả rác ở nơi đó.
Vì vậy việc những người ở Mỹ có xả rác hay không thật sự không ảnh hưởng tới những người không ở Mỹ. Người Việt không cần và không nên trông vào chỗ đấy mà hành xử. Cái người Việt cần trông vào là cái chỗ mình ở, chỗ mình đứng, nếu chỗ đó có rác thì mình mới bị ảnh hưởng.
Nói về rác thì tôi có một kinh nghiệm khá đặc biệt, đó là tôi đã từng làm nghề quét rác. Khi đó tôi còn trẻ và chưa học xong. Mùa hè thì công viên giải trí gần nhà tuyển thêm nhân viên thời vụ rất nhiều nên tôi cũng đi xin việc, công việc mà tôi xin được là quét rác.
Vì công việc quét rác, tôi cũng đã được chứng kiến cách một số bậc cha mẹ ở Mỹ "giáo dục rác". Thông thường, nếu có rác rơi vãi thì các nhân viên nhìn thấy sẽ tới quét dọn ngay. Có khi tôi chạy tới thì bị bà mẹ ngăn lại, rồi bà mẹ đó lại bắt đứa con mới chừng năm tuổi phải nhặt cho hết chỗ bắp rang bơ vừa làm đổ để cho vào thùng rác.
>> 'Nên phạt tiền và lao động công ích người xả rác bừa bãi'
Bà mẹ nói là "Con tôi làm đổ rác thì cho nó dọn. Nó cần biết là đổ rác thì phải tự dọn, nếu không có người tới dọn thì chính nó sẽ phải đứng trong đống rác". Tôi đành đứng im để chờ cho đứa bé học xong bài học của mình và để chắc là bé dọn sạch, không thì tôi sẽ phải dọn phần còn lại.
Cách Mỹ đối phó với vấn đề rác là cả hai bên đều phải làm công việc của mình. Người thường thì phải vứt rác đúng chỗ, không còn thùng rác thì phải ráng mà tha rác đi cho tới lúc kiếm được thùng. Còn nhà nước hay chủ những khu vực có mở cửa cho công chúng thì phải có người dọn rác, mà đã làm việc dọn rác thì không được phàn nàn, bao nhiêu rác xả ra đều phải dọn.
Việc vứt rác đúng chỗ không phải là chuyện thương cho chị lao công, mà là chuyện giữ gìn môi trường mà mình đang sống sao cho không ngập rác.
An ninh rác là an ninh cho chính mình chứ không phải là ban phát ơn huệ cho những người được trả tiền để dọn rác. Cái đó cũng giống như bản thân thì đừng gây ra tai nạn cho mình cho người, nhưng các bác sĩ thì họ phải chữa các vết thương chứ không việc gì phải thương cảm cho họ.
>> Không phân loại rác bị phạt 20 triệu đồng: 'Cần thời gian hướng dẫn người dân'
Thái độ với rác của người xả rác là thái độ vô trách nhiệm với chính bản thân mình rồi gây ra thiệt hại cho những người xung quanh. Thái độ này thì có rất nhiều ở nhiều nơi, cái khác là ở đâu có nhiều người đã thay đổi được cái thái độ này mà hành xử cho đúng đắn. Ở Việt Nam cũng vậy, muốn thay đổi thói quen xả rác bừa bãi của người dân thì cần phải đánh vào bản thân, túi tiền từng người chứ không thể kêu gọi lòng thương xót đối với chị lao công hay là so sánh với Mỹ.
Singapore đã làm đúng như vậy, món tiền phạt tội xả rác rất nặng, nó đánh vào túi tiền người xả rác chứ không đánh vào lòng thương người hay sự cao thượng của họ.
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.