Sau bài viết Lãnh đạo TP HCM xin lỗi công nhân vớt rác, VnExpress nhận được rất nhiều bình luận của độc giả.
Vì sao công nhân vệ sinh không sử dụng đồ bảo hộ?
Nhiều bạn đọc lo lắng trước việc công nhân vệ sinh làm việc ở môi trường độc hại, dơ bẩn nhưng làm bằng tay không:
Độc giả Hung Ha: "Công nhân vệ sinh môi trường xuống cống vớt rác mà đội mũ nhựa bảo hộ, quần áo lao động bình thường và găng tay sợi là thấy không ổn rồi. Tôi kiến nghị phải trang bị cho anh em một bộ quần áo bảo hộ áo liền quần có mũ trùm đầu không thấm nước, găng tay chống hóa chất, mặt nạ 3M có 2 pin lọc khí, kính bảo hộ 3M, ủng cao su có đế và mũi ủng lót thép để tránh va đập. Trang bị như vậy xuống cống rãnh làm việc mới đảm bảo được sự an toàn, cách ly được người công nhân khỏi những hóa chất có hại".
Độc giả Giang Nguyễn thì cho rằng: "Lương cho công nhân vệ sinh còn bèo bọt nói gì đến trang bị đầy đủ bảo hộ. Có một số đơn vị cũng có nhưng lại có nhiều lý do nên không phải ai cũng muốn dùng hay đôi khi muốn dùng nhưng không đủ, kể cả đơn giản như việc cơ giới hóa công việc cũng vậy để đầu tư và thay đổi cần cả một nguồn vốn lớn. Còn trang bị bảo hộ như cái mặt nạ phòng độc hay chỉ đỡ một phần thôi, và trang bị đó với giá cơ bản thì lại rất khó sử dụng vì người khó thở do làm việc không gian hẹp việc nặng nhọc. Còn trang bị đồ hiện đại có bù oxi thì giá lại quá cao, như quần áo bảo hộ cũng vậy, một bộ kín người giá thành cũng không cao quá cũng không phải thay nhiều như mặt nạ nhưng mặc vào khó chịu vì nóng nực...nói chung là mỗi người dân ý thức một chút thì người dọn vệ sinh đỡ vất vả đi bội phần".
Nhiều độc giả cho rằng với tình hình thời tiết ở Sài Gòn, công nhân vệ sinh khó có thể mặc đầy đủ đồ bảo hộ:
"Bạn chỉ nói mà chưa hiểu thực tế. Cũng đã có những thử nghiệm về đồ bảo hộ lao động dạng cao su kín từ ngang ngực đến chân, nhưng với thời tiết hiện tại, TP HCM luôn có nhiệt độ trong ngày trên 30 độ C, cộng với hơi nóng từ dưới cống thoát nước thì khi mặc vào chưa đầy một giờ là đã tuôn mồ hôi dẫn đến việc mất nước trong cơ thể, giống như việc bạn mặc áo mưa chạy bộ để giảm cân. Còn một điều nữa là đặc thù đa số cống thoát nước thành phố đều đầy nước, khi cúi xuống múc bùn, nước nó tràn vào bộ đồ thì cũng vậy thôi", ý kiến của độc giả Anh Dung Dong.
Độc giả Pham Duy An đề xuất: "Thiết kế hố ga theo kiểu thùng rác, có khay chắn ở dưới, mỗi khi rác lọt vào thì chỉ cần nâng lên để lấy, không cần phải mò mẫm bên dưới".
Không xả rác bừa bãi là một cách tri ân công nhân vệ sinh
Trang bị đồ bảo hộ là chưa đủ, việc cần thiết ở đây là mỗi người dân không xả rác bừa bãi, đó cũng là cách để tri ân các công nhân vệ sinh vất vả.
"Bản thân tôi và con trai hơn 3 tuổi của tôi đều phải tuân thủ nguyên tắc không xả rác bừa bãi từ chiếc vỏ kẹo cho đến cái tăm. Kể cả phải cuộn vào ba lô mẫu giáo cho đến khi tới nơi có thùng rác. Xả rác bừa bãi không chỉ làm khổ những công nhân dọn vệ sinh mà là một hành động thiếu văn minh. Mỗi người chúng ta xây dựng ý thức nhỏ từ gia đình thì mọi thứ sẽ tốt hơn. Đành rằng là một cái nghề, là miếng cơm manh áo nhưng sao tim nhói và cảm thấy xót như này. Mong các bác, các chú cần được trang bị tốt hơn và có thu nhập xứng đáng"- Độc giả Tran Thuy chia sẻ.
"Khu nhà tôi ở thật sợ (hẻm Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận), các nhà ở đây quét rác, phân chó đổ thẳng vào lỗ cống. Nhìn các anh công nhân chui xuống cống móc rác lên mà thấy xót xa. Mong mọi người có ý thức để các anh đỡ khổ. Các phương tiện truyền thông đại chúng như tivi, báo, đài luôn cập nhật các hình ảnh các anh làm việc để cho bà con rõ"- Độc giả Hong Ha.
Cần xử phạt nghiêm khắc thay vì trông chờ vào ý thức
Nhiều độc giả cho rằng, cơ quan chức năng cần xử lý những người xả rác bừa bãi mạnh tay hơn:
"Nên có đội bắt những người vi phạm xả rác bừa bãi...phạt tại chỗ cho mỗi lần bắt gặp từ 1 đến 3 triệu đồng là họ sợ "xanh máu mặt". Không có tiền thì phạt lao động công ích một ngày quét rác và đi nhặt rác, làm nghiêm như Singapore. Thời gian đầu sẽ khó khăn nhưng vào ý thức rồi tiềm thức không xả rác thì thành phố sẽ đẹp lên", ý kiến của độc giả có nickname Bông Cúc Xanh.
"Ý thức không thể đề tự mọi người nhận ra được mà phải có luật và chế tài răn đe. Bản thân tôi còn không ưa nổi môi trường đô thị Việt Nam chứ chưa nói đến khách du lịch đến từ các nước văn minh hơn. Đi đường thì bụi bặm, xe chở đất cát rơi khắp thành phố, mương máng thì hôi thối ngập rác - đây là hiện trạng ở ngay giữa thủ đô. Đừng để một hành động xấu gây ảnh hưởng đến cả đất nước", độc giả Chuyen.
"Tôi đề nghị thành phố thành lập tổ kiểm tra và xử lý những người xả rác không đúng nơi quy định. Tổ kiểm tra bao gồm nhiều cấp từ cấp phường tới cấp thành phố. Chi phí được trích từ nguồn phạt vi phạm. Biện pháp xử phạt bao gồm phạt hành chính và phạt lao động công ích từ 4h đến 8h.
Công việc cụ thể là đi nhặt rác hoặc quét rác đoạn đường 5km cùng với đội thanh niên xung phong hoặc đoàn viên thanh niên. Có thể dùng cách quy đổi nộp phạt tài chính để thay thế cho hình phạt này tuỳ vào lựa chọn của người vi phạm. Mức phạt cụ thể sẽ được cơ quan chuyên trách nghiên cứu trên cơ sở chi phí bỏ ra để duy trì đội ngũ kiểm tra, chi phí xử lý rác bị vứt sai quy định... độc giả có nickname Xu Xi 76 chia sẻ.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.